Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc: Tranh thủ nguồn lực để phát triển (Bài 2)

Sỹ Hào - 17:22, 13/12/2022

Thông qua hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tranh thủ thêm các nguồn lực đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi. Cùng với nguồn kinh phí của các đối tác nước ngoài hỗ trợ thêm vào ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình, dự án thì nhiều dự án của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội được triển khai rất hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS và miền núi.

Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 tổ chức hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực và thu hút đầu tư ngày 24/11/2022.
Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, huy động nguồn lực và thu hút đầu tư

Tích cực thu hút tiềm năng nguồn lực quốc tế

Ngày 18/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2152/QĐ-TTg, về việc chấp thuận kéo dài thời gian thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số  đến năm 2025". Đây là Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 2214).

Mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2025, là thu hút tối đa các tiềm năng nguồn lực quốc tế, đặc biệt là nguồn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG). Điều này cho thấy, vai trò quan trọng của nguồn lực quốc tế trong việc phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi của nước ta; đồng thời khẳng định việc thực thi có hiệu quả Đề án 2214.

Sau 7 năm triển khai Đề án 2214 (2013 – 2020), với vai trò là Cơ quan thường trực thực hiện Đề án 2214, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy hợp tác quốc tế để thu hút tối đa tiềm năng nguồn lực. 

Tính đến năm 2020, theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/06/2022 của UBDT tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc, khoảng 2,6 tỷ USD vốn ODA đã được thu hút để đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong giai đoạn 2016 – 2020, ngoài vốn ODA, vùng còn tiếp nhạn khoảng 5,5 triệu USD vốn hỗ trợ phi chính phủ.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2014-2018, thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án 2214 (tổ chức ngày 22/11/2018) cho thấy, trong 5 năm đã có gần 200 dự án giảm nghèo và an sinh xã hội, đã được triển khai trong vùng DTTS và miền núi từ Tây Bắc, đến Tây Nguyên; khoảng 252 dự án về giáo dục, đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm cho người DTTS.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc: Tranh thủ thêm nguồn lực để phát triển (Bài 2) 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội thảo.

Riêng 5 tỉnh Tây Nguyên có có 10 dự án viện trợ đã và đang hỗ trợ, trong đó có 4 dự án viện trợ không hoàn lại của Quỹ Toàn cầu, EC và GAVI, 6 dự án viện trợ vay của WB, ADB, JICA, với tổng kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho cả vùng khoảng 88.712.151 USD.

 Khu vực miền núi phía Bắc có 9 dự án viện trợ đã và đang hỗ trợ cho 16 tỉnh, trong đó có 4 dự án viện trợ không hoàn lại do Quỹ Toàn cầu và GAVI tài trợ, 5 dự án vay vốn WB, ADB và JICA...

Ngoài ra, lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng đã thu hút khoảng trên 100 dự án ODA và phi chính phủ nước ngoài. Các dự án tập trung vào giúp đồng bào DTTS làm quen với phương thức, kiến thức sản xuất mới, tiếp cận với các công cụ sản xuất hiện đại hơn; ưu tiên dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật có giá trị kinh tế từ việc nhân giống các loại cây trồng, vật nuôi mới, dự án phù hợp với nhu cầu, trình độ và điều kiện cụ thể của vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đẩy mạnh hợp tác

Khi phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình MTQG, tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Quốc hội yêu cầu: “Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục rà soát, cân đối, bố trí ngân sách trung ương bổ sung cho Chương trình theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ để tăng vốn tín dụng chính sách và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình”. 

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể các bộ, ngành Trung ương tăng cường các giải pháp huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện chương trình. Các hoạt động huy động nguồn lực hỗ trợ bổ sung từ các nhà tài trợ, đối tác phát triển cho Chương trình MTQG đã và đang được tổ chức thực hiện một cách hiệu quả.

Theo báo cáo của UBDT, từ năm 2022, các địa phương đã triển khai Dự án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” từ nguồn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ai Len của năm tài khóa 2020. Tính đến tháng 8/2022, tỷ lệ giải ngân của Dự án đạt 37,171 tỷ đồng (44,9%).

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc: Tranh thủ thêm nguồn lực để phát triển (Bài 2) 2
Việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn cần nguồn lực lớn. (Ảnh minh họa)

Đối với khoản viện trợ không hoàn lại 17,5 triệu USD từ Quỹ Đối tác Giáo dục toàn cầu và khoản vay ưu đãi tối thiểu 150 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới cho Chương trình MTQG, Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan liên quan đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt thông qua chủ trương tiếp nhận. Dự kiến sẽ triển khai giải ngân nguồn kinh phí này trong năm 2023 nếu Chương trình được phê duyệt…

Đồng thời, thông qua các hoạt động đối ngoại ở trong và ngoài nước, nhiều tổ chức quốc tế đã cam kết, cung cấp nhiều gói viện trợ không hoàn lại có giá trị lớn hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, có như Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên DTTS; Dự án Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin dành cho phụ nữ DTTS; Dự án Thúc đẩy tiếp cận công lý về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình cùng cộng đồng người nghèo và DTTS tỉnh Quảng Bình; Dự án Vườn ươm các nữ lãnh đạo DTTS do Quỹ sáng kiến cho địa phương của Canada tài trợ…

Tại Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực và thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình MTQG được tổ chức ngày 24/11/2022, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định, các đối tác phát triển, doanh nghiệp, nhà tài trợ, luôn là những người bạn đồng hành, đáng tin cậy của Chính phủ Việt Nam trong suốt quá trình thực hiện công cuộc giảm nghèo, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam nói chung, khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công tác dân tộc: Tranh thủ thêm nguồn lực để phát triển (Bài 2) 3
Đời sống của một bộ phận người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. (Trong ảnh: Lũ quét gây thiệt hại nặng nề cho xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ Ạn ngày 2/10/2022).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cũng đánh giá thực tế vùng đồng DTTS và miền núi có đặc thù điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế.

“Chính phủ Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai hiệu quả, thành công Chương trình MTQG sẽ gặp không ít những thách thức, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn, cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực xã hội trong nước và tài trợ từ các tổ chức nước ngoài để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình là vô cùng quan trọng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh chia sẻ và đồng thời kêu gọi sự tham gia của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế trong việc bổ sung nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để triển Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021– 2030; giai đoạn I: 2021 - 2025 kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả hơn.

9.000 tỷ đồng vốn vay tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG

Để thúc đẩy tiến độ thực hiện Chương trình MTQG, Thủ tướng Chính phủ đã giao tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2022 cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) 16.800 tỷ đồng (tăng 8% so với năm 2021) và tăng dư nợ tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 19.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa thực hiện Chương trình MTQG là 9.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của UBDT, đến 31/7/2022,  đã có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH, với tổng dư nợ đạt 66.946 tỷ đồng, chiếm 24,5%, dư nợ bình quân một hộ DTTS đạt 46,5 triệu đồng, cao hơn bình quân chung là 42,1 triệu đồng/hộ.


Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.