Vẫn “nóng” trong vùng DTTS và miền núi
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, vùng DTTS hiện có khoảng 1.300 người nhiễm HIV mới, 619 bệnh nhân AIDS mới, 1.915 trường hợp tử vong do AIDS. Tỷ lệ mới mắc HIV chủ yếu ở lứa tuổi 20 - 49. Đây là đối tượng lao động chính trong gia đình. Một số người nhiễm HIV/AIDS là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Số người phát hiện nhiễm HIV ở nam giới cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, xu hướng nữ giới lây nhiễm HIV ngày càng tăng dần. Đặc biệt là, tình trạng gia tăng số người nhiễm HIV trong nhóm vốn được coi là ít có nguy cơ, như phụ nữ mang thai.
Đối chiếu với tỷ lệ đồng bào DTTS nghiện ma túy có thể thấy, địa phương nào có càng đông đồng bào DTTS nghiện ma túy, thì tại địa phương đó số người nhiễm HIV càng nhiều. Cụ thể như, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Nghệ An - 4 tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS nhiễm HIV cao, cũng chính là 4 tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS nghiện hút ma túy xếp hàng đầu cả nước.
Trong đó, đa số người nhiễm HIV là do lây nhiễm qua đường tình dục và đường kim tiêm, mà chủ yếu là tiêm chích ma túy; tập trung đông ở các dân tộc Thái, Thổ, Tày, Nùng, Mông, Dao. Đáng lo ngại là, do thiếu hiểu biết, ngày tháng quanh quẩn ở bản làng, nương rẫy, nên nhiều đồng bào không ý thức được sự nguy hiểm của căn bệnh HIV/AIDS. Chính vì vậy, việc các con nghiện cùng sử dụng bơm kim tiêm thường xảy ra. Chỉ cần 1 người nghiện nhiễm HIV/AIDS, thì sự lây lan của bệnh này với những người còn lại là hoàn toàn có thể.
Ngoài nguyên nhân lây nhiễm HIV/AIDS trực tiếp qua tiêm chích ma túy, thì việc quan hệ tình dục trong nhóm đối tượng này, cũng là một trong những nguy cơ làm lây nhiễm HIV. Ðáng chú ý, hiện nay công tác tư vấn, xét nghiệm HIV đối với đồng bào DTTS còn hạn chế. Bởi 22 tỉnh vùng DTTS mới chỉ có 129 phòng tư vấn xét nghiệm HIV (trung bình 5,8 phòng/tỉnh), trong khi đồng bào DTTS sống rải rác và ở các vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS chưa được như kỳ vọng.
Bảo đảm điều trị liên tục trong mùa dịch Covid-19
Vấn đề nhiễm HIV/AIDS vốn đã nóng, trong giai đoạn dịch Covid-19 hiện nay, lại càng thêm phức tạp. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực bảo đảm điều trị liên tục cho người bị nhiễm HIV/AIDS ngay trong mùa dịch bệnh.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong thời gian này, tuyến cơ sở cần chủ động xây dựng kế hoạch và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống cụ thể khác nhau. Tùy theo diễn biến dịch Covid-19, các địa phương lên phương án bảo đảm người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, các cơ sở cần tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV. Ngoài ra, các cơ sở y tế cần vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các địa phương cần mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như, xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; cấp phát Methadone nhiều ngày; tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào DTTS; tổ chức các chuyến giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị…; phối hợp tổ chức các hoạt động của Tháng hành động phù hợp với chức năng nhiệm vụ và hoàn cảnh thực.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường cung cấp thông tin cho các phóng viên báo chí, cộng tác viên về tình hình dịch của địa phương; các mô hình, sáng kiến và các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS mà các địa phương đang cung cấp, nhất là các sáng kiến để vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19; tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo chuyên môn và khoa học về HIV/AIDS theo hình thức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp...