Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Tăng cường tín dụng chính sách đẩy lùi tín dụng đen

PV - 11:29, 15/02/2019

Trong thời gian qua, nhiều tổ chức tín dụng đen hoành hành ở các buôn làng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương cùng NHCSXH đã và đang tăng cường chính sách tín dụng như gia tăng vốn vay, đơn giản hóa thủ tục nhằm đẩy lùi tín dụng đen, tạo điều kiện để người dân phát triển bền vững.

Đánh bật tín dụng đen

Ông A Da, một người dân ở xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho hay: Vào mùa thu hoạch cà phê, cao su người dân không còn tiền để thuê nhân công, lợi dụng việc này các đối tượng cho vay tiền với lãi suất cao nhảy vào. Nhiều người dân vay tiền đến khi thu hoạch xong, bán sản phẩm cũng không đủ trả nợ.

“Như gia đình mình trước đây cũng thường vay ở bên ngoài để mua phân bón cho rẫy cà phê với lãi suất rất cao. Nhưng từ khi biết được thủ tục cho vay của NHCSXH đơn giản, lãi suất thấp nên mình không vay bên ngoài nữa”. ông A Da vui vẻ chia sẻ.

Ông Lê Danh Thứ, Giám đốc NHCSXH Kon Tum cho biết: Hiện nay, mạng lưới hoạt động của NHCSXH tỉnh gồm Hội sở NHCSXH tỉnh và 09 NHCSXH huyện, 102 điểm giao dịch tại 102 xã, phường, thị trấn, với 1.671 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tại các thôn, làng trong toàn tỉnh. Thời gian qua, NHCSXH Kon Tum đã chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cho vay ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể, đưa nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các tổ chức ủy thác, chính quyền địa phương, tăng cường công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn các tổ vay vốn để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn.

Lãnh đạo NHCSXH Kon Tum kiểm tra việc sản xuất của một hộ gia đình vay vốn. Lãnh đạo NHCSXH Kon Tum kiểm tra việc sản xuất của một hộ gia đình vay vốn.

“Có thể nói, mạng lưới NHCSXH được phủ xuống tận các buôn làng, thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân kịp thời khiến cho tín dụng đen không có cơ hội hoạt động”, ông Thứ chia sẻ thêm.

Không chỉ nhằm mục tiêu đánh bật tín dụng đen, chính sách tín dụng ở Kon Tum còn hướng tới mục tiêu cao hơn là giúp người dân phát triển bền vững. Theo NHCSXH Kon Tum, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 53.043 hộ thoát nghèo. Riêng năm 2018, đã có 25.043 lượt hộ được vay vốn, với số tiền 731 tỷ đồng; trong đó 8.168 lượt hộ nghèo, 2.371 lượt hộ cận nghèo, 2.687 lượt hộ mới thoát nghèo, 4.726 lượt hộ vay làm công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 4.418 lượt hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, 24 hộ được vay vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP...

Phát triển bền vững

Vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với thủ tục đơn giản. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và xây dựng cuộc sống mới. Năm 2015, ông A Măn ở làng Đăk Kan, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô được vay 30 triệu đồng chính sách tín dụng đối với đồng bào DTTS nghèo.

Cùng với số tiền tiết kiệm được từ trồng bắp, mì hằng năm, gia đình ông đầu tư trồng 2ha cà phê. Hiện tại, sau khi thanh toán tiền vốn vay ban đầu, gia đình ông tiếp tục được vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay duy trì và giải quyết việc làm của ngân sách huyện, ông A Măn đã mua 2 cặp bò giống lai phát triển để thoát nghèo bền vững.

Ông A Măn cho hay: “Trước kia gia đình rất khó khăn, không có vốn để trồng cà phê. Sau này được vay vốn NHCSXH huyện Đăk Tô trồng cà phê nên cuộc sống của gia đình tôi đỡ vất vả hơn. Hiện tại, gia đình đã trồng được cà phê, nuôi bò để lấy phân chăm bón cà phê. Gia đình muốn được vay thêm vốn từ NHCSXH để đầu tư trồng thêm 7 sào cà phê nữa, để cuộc sống gia đình ngày càng khá hơn”.

Không ít gia đình ở Kon Tum đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách, có của ăn của để, xây cất nhà cửa khang trang, giờ đây còn dư vốn gửi lại vào NHCSXH. Điển hình như chị Bi (dân tộc Xơ-đăng), ở thôn Kon Hra Chót, P Thống Nhất, TP. Kon Tum. Cách đây vài năm, chị Bi được vay 30 triệu đồng theo diện hộ nghèo. Số tiền đó được chị đầu tư mua một cặp bò về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, từ hai con bò ban đầu đến nay chị Bi đã có được đàn bò 14 con.

“Trước kia gia đình rất khó khăn, vất vả, được NHCSXH cho gia đình vay để mua bò nuôi. Nhờ trời thương, đàn bò mau lớn không bệnh tật lại sinh sản nhanh, gia đình tôi không những đã trả hết nợ mà còn có dư, mỗi tháng gửi tiết kiệm vào NHCSXH hàng chục triệu đồng”, chị Bi phấn khởi cho hay.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Sông Kôn và sông Hà Thanh là 02 con sông lớn của tỉnh Bình Định; lưu vực của 02 con sông là vùng tập trung các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của tỉnh. Ngoài các yếu tố tự nhiên, khách quan (địa hình, thảm phủ, mưa lũ lớn, diện tích rừng phòng hộ bị suy giảm...), thì các hoạt động trên lưu vực với mục đích phát triển kinh tế cũng đã tạo ra sức cản lớn cho việc thoát lũ. Vì thế, tình trạng sạt lở, lũ ở vùng núi, ngập lụt ở đồng bằng, ven biển thường xuyên xảy ra, đe dọa cuộc sống của người dân, trong đó có người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.