Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tạo điều kiện để môi trường rừng thành không gian phát triển kinh tế

Thiên Đức - 17:36, 17/01/2021

Thời gian qua, Chính phủ thực hiện thu phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) chi trả cho các hộ nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người dân, chi phí này rất thấp khó đảm bảo cuộc sống. Do đó, thời gian tới, bên cạnh giải pháp chi trả DVMTR, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để người dân có thể khai thác khu vực rừng bảo vệ thành không gian phát triển kinh tế một cách phù hợp.

Người dân Thái Nguyên bước đầu áp dụng trồng ba kích dưới tán rừng
Người dân Thái Nguyên bước đầu áp dụng trồng ba kích dưới tán rừng

Gần 10 năm trước, gia đình ông Vũ Duy Kiên, xã An Bình, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình nhận khoán bảo vệ hơn 5 ha rừng tự nhiên. Để có thể vừa bảo vệ rừng, vừa tận dụng không gian phát triển kinh tế, ông được cơ quan chức năng hướng dẫn nuôi gà dưới tán rừng. 

Theo đó, từ 2016, gia đình ông Kiên được tham gia tập huấn kiến thức về kỹ thuật chọn giống, xây dựng chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho gia cầm trong mùa đông. Từ kiến thức tích lũy được, ông tận dụng toàn bộ diện tích đất rừng của gia đình chăn nuôi gà. Quy mô chăn thả duy trì trên 1 vạn con gà ri thương phẩm, mỗi năm xuất 2 lứa với khoảng 25 tấn gà thịt, giá bán từ 70 - 75.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hơn 400 triệu đồng từ nuôi gà.

Không riêng gì gia đình ông Kiên, ở xã An Bình, hiện có 65 hộ liên kết thành lập HTX Hải Ðăng nuôi gà dưới tán rừng.Hướng chăn nuôi này đã mang lại hiệu quả cao, mở ra một lối đi mới cho người dân trong vùng.

Còn tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, mô hình gắn bảo vệ rừng với phát triển sinh kế bước đầu được chú trọng. Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong năm 2020, huyện đã trồng 1.050 ha rừng, bằng 105% kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 59%, bằng 101,7% kế hoạch.

Trong những năm qua, cùng với chính quyền, người dân Định Hóa rất tích cực tham gia chăm sóc bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận mức hỗ trợ cho người dân thông qua DVMTR rất thấp, chỉ khoảng 400 nghìn/ ha. Như vậy, người dân rất khó yên tâm sản xuất.

Để giải quyết vấn đề này, địa phương bước đầu áp dụng biện pháp phát triển sinh kế gắn với bảo vệ rừng. Cụ thể năm 2012, huyện Định hóa thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng cây Ba Kích tại huyện Định Hóa giai đoạn 2012 – 2015”. Theo đó, cơ quan chức năng đã trực tiếp xây dựng mô hình tại xã Lam Vỹ. Dự án thu hút 25 hộ dân, với 15 ha rừng dưới tán cây keo, mỡ.

 Qua quá trình xây dựng cho thấy, mô hình phát triển tốt đem lại thu nhập khá cho người dân. Mô hình cũng đã làm thay đổi nhận thức của người nông dân, từng bước thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất tự phát sang sản xuất hàng hoá. Tuy nhiên, do nguồn vốn của địa phương eo hẹp nên mô hình không thể mở rộng quy mô.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, để người dân gắn bó với rừng hơn nữa, thời gian tới,chúng ta cần tiếp tục thử nghiệm và nhân rộng các mô hình quản lý rừng cộng đồng, nhất là vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Theo đó chúng ta cần hoàn thiện quy chế quản lý rừng sao cho người dân có thể hưởng lợi cao nhất khi tham gia bảo vệ rừng. Ví dụ như bên cạnh việc hưởng chi phí từ DVMTR, người dân có thể phát triển các hoạt động kinh doanh thân thiện môi trường như, dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăn nuôi, trồng cây dược liệu dưới tán rừng…

Đồng thời, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh rà soát các văn bản pháp quy về quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng; xóa bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, không hiệu quả. Các phong tục và tập tục tốt của các điạ phương cần được xem xét nghiên cứu, hoàn thiện đưa vào xây dựng các quy ước bảo vệ và phát triển rừng. Phân cấp quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền ở cơ sở...

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (VNFF), từ 2011 - 2020, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 16.758 tỷ đồng, chiếm 18,2% so với tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. Diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu ha năm 2011 đến năm 2020 là trên 6,8 triệu ha.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.