Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tạo điều kiện để người dân chuyển đổi cây trồng

PV - 09:38, 19/03/2018

Từ năm 2017, Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc (thuộc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc) được giao triển khai Dự án “Phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, thôn thuộc Chương trình 135 tại Tuyên Quang và Bắc Giang” (gọi tắt là Dự án). Dự án được thực hiện trong 3 năm (2017-2019), với mô hình trồng bưởi Diễn hữu cơ. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vĩ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc xung quanh dự án này.

Ông Nguyễn Hồng Vĩ. Ông Nguyễn Hồng Vĩ.

 

Ông có thể cho biết các nội dung, đối tượng và số hộ được thụ hưởng từ Dự án?

Dự án “Xây dựng mô hình giảm nghèo đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình trên địa bàn các xã, thôn thuộc Chương trình 135, tại tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Bắc Giang” có tổng nguồn vốn 3 tỷ đồng từ Chương trình 135. Dự án được thực hiện trong 3 năm (từ 2017-2019). Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc đã phối hợp với các Phòng Dân tộc, Trạm Khuyến nông của các địa phương chỉ đạo các xã thực hiện đúng yêu cầu của Dự án đã được phê duyệt.

Dự án bao gồm 11 tiểu dự án; trong đó 6 tiểu dự án thực hiện ở các xã Minh Thanh, Đông Thọ (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) với 35 hộ nghèo và cận nghèo tham gia, trồng 4.202 cây bưởi giống/80 nghìn m2. 5 tiểu dự án còn lại được triển khai tại xã Canh Nậu (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) cho 51 hộ, trồng 3.885 cây bưởi giống với tổng diện tích là gần 74 nghìn m2. Chúng tôi cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học cho bà con, tổ chức các hội nghị đầu bờ, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi Diễn.

Mục tiêu của Dự án là gì, thưa ông?

Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, da dạng hóa sinh kế là mục tiêu lâu dài ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vì vậy, mục tiêu của Dự án là xây dựng thành công mô hình trồng bưởi hữu cơ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng Dự án sẽ góp phần thay đổi phương thức sản xuất của đồng bào DTTS vùng ĐBKK.

Ông có thể chia sẻ những kết quả ban đầu của Dự án và hướng triển khai trong những năm tiếp theo?

Dự án bắt đầu được thực hiện từ tháng 8/2017, dự kiến đầu năm 2018, cây bưởi sẽ ra hoa và cho trái vào cuối năm 2018. Theo tính toán của chúng tôi, trong năm 2018, mỗi hộ sẽ có thể thu từ 2-3 triệu đồng từ 100 cây bưởi; đến năm 2019, mỗi hộ có thể sẽ thu về từ 10-15 triệu đồng từ 100 cây bưởi.

Hiện nay, sau một thời gian trồng, cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, đúng chu kỳ, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật trồng bưởi.

Có thể nói, Dự án đã tạo điều kiện để các hộ dân được tiếp cận với phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, có hiệu quả. Dự án đã lồng ghép chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi gắn với việc gom rác thải, phế phụ phẩm nông nghiệp tại nông hộ, xử lý thành phân hữu cơ bón cho cây bưởi. Bước đầu, Dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế là giải quyết việc làm ổn định cho các hộ dân. Tận dụng được rác thải, giảm chi phí đầu tư. Trong thời gian bưởi đang ở thời kỳ cơ bản, chưa giao tán, bà con vẫn tận dụng được đất để trồng cây ngắn ngày (như đỗ, lạc, rau màu…).

Thời gian tới, Viện Chiến lược và Chính sách Dân tộc sẽ tiếp tục phối hợp sát sao cùng các đơn vị hữu quan hướng dẫn các hộ dân thực hiện nghiêm túc mô hình để Dự án đạt được hiệu quả cao nhất.

Xin cảm ơn ông!

MINH THU ( thực hiện )