Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tạo động lực giúp thanh niên DTTS khởi nghiệp

PV - 14:25, 09/04/2019

Tổ chức kết nối, liên kết giữa các mô hình, giúp thanh niên hợp tác, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế theo các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên, đặc biệt quan tâm thanh niên người DTTS, là những hoạt động đang được Tỉnh đoàn Yên Bái tập trung hỗ trợ giúp thanh niên sáng tạo khởi nghiệp và lập nghiệp. Từ các chương trình, dự án hỗ trợ, nhiều mô kinh tế trang trại, tiểu thủ công nghiệp… do những thanh niên là người DTTS làm chủ đã ra đời.

Gia đình anh Hờ A Sênh, dân tộc Mông ở thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên từng là một trong những hộ nghèo của xã. Cũng vì gia đình quá khó khăn nên dù đã theo học được gần 1 năm Đại học Sư phạm Thái Nguyên, anh Sênh vẫn phải từ bỏ để đi làm thuê đủ nghề mưu sinh và hỗ trợ gia đình.

“Con ngựa đi mãi cũng chồn chân”, anh Sênh ví von, vì thế anh đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Thời gian đầu dù có nhiều ý tưởng nhưng thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên xoay xở mãi anh Sênh không thể làm gì cho hiệu quả.

Sau hơn 1 năm, đến nay đàn lợn rừng của gia đình anh Hờ A Sênh đã phát triển lên 30 con. Sau hơn 1 năm, đến nay đàn lợn rừng của gia đình anh Hờ A Sênh đã phát triển lên 30 con.

“Cuối tháng 2/2018, Tỉnh đoàn Yên Bái cùng Hội Doanh nhân trẻ triển khai dự án khởi nghiệp cho thanh niên DTTS nhằm hỗ trợ, thúc đẩy, khích lệ thanh niên tạo việc làm để giảm nghèo, phát triển sản xuất-kinh doanh, làm giàu từ chính tiềm năng, lợi thế của địa phương. Mình may mắn được chọn để thực hiện dự án, với số tiền hỗ trợ trị giá 300 triệu đồng”, anh Sênh kể lại.

Có vốn, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, Hờ A Sênh mạnh dạn triển khai một số ý tưởng: trồng cây gáo vàng (cây lấy gỗ làm đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ, vỏ, quả và rễ cây có thể sử dụng để làm thuốc để chữa bệnh lá có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi); trồng cây dược liệu; nuôi lợn rừng và nuôi hươu lấy nhung.

Trời chẳng phụ công người, sau hơn 1 năm vất vả, đến nay, hơn 1ha đất đồi hoang hóa hôm nào đã được Hờ A Sênh phủ xanh bằng 400 gốc cây gáo vàng, 2.000 gốc sa nhân, 600kg gốc nghệ giống, 30 con lợn, hai cặp hươu nuôi lấy nhung. Ngay trong năm đầu anh đã thu nhập gần 100 triệu đồng. Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của Hờ A Sênh hiện đã trở thành địa chỉ để nhiều bạn trẻ trong xã đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm để khởi nghiệp.

Anh Đỗ Minh Huấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái cho biết: Với đặc thù là tỉnh vùng cao, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm đa số. Hầu hết đoàn viên thanh niên đời sống còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy thời gian qua, Tỉnh đoàn luôn tập trung vận động lồng ghép các chương trình dự án của Nhà nước để có thể hỗ trợ cho đoàn viên thanh niên DTTS phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

“Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng chính sách xã hội trong việc hỗ trợ, cho thanh niên nhất là thanh niên DTTS được tiếp cận với nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, giải quyết việc. Cùng với đó, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, vận dụng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên, với quyết tâm không để khởi nghiệp chỉ làm phong trào mà phải làm bền vững, lâu dài”, anh Huấn nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, phong trào đoàn viên thanh niên lập nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ trong toàn tỉnh Yên Bái. Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 700 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó gần 300 mô hình của thanh niên DTTS. Các mô hình này đã và đang tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 thanh niên. Nhiều mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm…

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Quảng Trị: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Quảng Trị: Vùng đồng bào DTTS và miền núi khởi sắc sau gần 4 năm triển khai Chương trình MTQG 1719

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Trị đã có những bước phát triển mới. Nổi bật là cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình dân sinh không ngừng được đầu tư, hoàn thiện; Nhiều mô hình sinh kế hình thành và đã phát huy hiệu quả..., góp phần cải thiện đáng kể đời sống của Nhân dân, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu.