Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tạo sự linh hoạt, chủ động từ cơ chế, chính sách đặc thù

Thúy Hồng - 18:53, 27/02/2024

Vừa qua (ngày 18/1/2024), Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết được ban hành với 8 cơ chế, chính sách đặc thù được đánh giá sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế, tăng cường phân cấp, phân quyền tạo sự linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả các Chương trình.

Quốc hội thông qua Nghị quyết với 8 cơ chế, chính sách đặc thù
Quốc hội thông qua Nghị quyết quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Tháo gỡ vướng mắc bằng cơ chế, chính sách đặc thù

Sau 3 năm triển khai thực hiện (từ 2021-2023) các Chương trình mục tiêu quốc gia đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có việc giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Điển hình, trong năm 2022, tốc độ giải ngân các chương trình này đạt rất chậm. Đến năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn cũng chỉ đạt khoảng 70% kế hoạch.

Bên cạnh đó, một số dự án được cấp vốn lớn song văn bản quy định về nội dung, định mức chi ban hành muộn, dẫn đến áp lực giải ngân cho địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia có nhiều nội dung, liên quan nhiều lĩnh vực, hệ thống văn bản quy định hoàn toàn mới và chưa hoàn thiện, việc tiếp cận áp dụng văn bản tại các địa phương còn lúng túng...

Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển GDP, mà còn ảnh hưởng tới việc bảo đảm cuộc sống, sinh kế của người dân vùng đồng bào DTTS.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, tại kỳ họp ngày 18/1/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua, sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế, tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả các Chương trình.

Tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương

Theo Nghị quyết, Quốc hội đã quyết nghị 8 cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hàng năm. Về điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm; ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất. Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 – 2025…

Đáng chú ý, Quốc hội cho phép thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2024, 2025. Theo khoản 7 Điều 4 của Nghị quyết: Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng Chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm.

Hội đồng Nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Với những cơ chế đặc thù này được Đại biểu Quốc hội, nhiều cán bộ địa phương và cử tri tin tưởng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình.

Ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội, cho rằng, đây là nghị quyết có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Luận, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, việc Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia… sẽ tạo tính linh hoạt, chủ động cho các địa phương trong cân đối, sử dụng nguồn lực phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sẽ góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS và miền núi
Việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS và miền núi

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Luận, trước đây khi chưa có cơ chế đặc thù thì các huyện rất là khó khăn, lúng túng, đặc biệt là trong việc điều chuyển các nguồn vốn, cứ phải trông chờ vào cấp trên thì mới thực hiện được.

Việc Quốc hội cho phép thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ giúp các địa phương tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, vướng mắc tạo sự chủ động cho các huyện trong việc triển khai thực hiện chương trình. Qua đó, sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.