Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tập trung hỗ trợ sản xuất: Góp phần hạn chế tình trạng tái nghèo

PV - 08:32, 03/10/2018

Thời gian qua, các địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Điều này không chỉ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo mà còn hạn chế tình trạng tái nghèo ở nhiều địa phương miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Hỗ trợ giống vật nuôi góp phần đa dạng hóa sinh kế và giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ giống vật nuôi góp phần đa dạng hóa sinh kế và giảm nghèo bền vững.

Bình Thuận là địa phương có nhiều xã ĐBKK được hưởng lợi từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Năm 2017, Trung ương phân bổ cho tỉnh 22,4 tỷ đồng, địa phương cũng đã đối ứng trên 218 triệu đồng để triển khai Chương trình giảm nghèo.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã ĐBKK, tỉnh Bình Thuận đã ưu tiên bố trí hơn 6,7 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ việc làm... Đáng chú ý là tỉnh đã phân bổ 800 triệu đồng để xây dựng 2 dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Tân Thắng, là xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển của huyện Hàm Tân. Bình Thuận cũng đã bố trí 80 triệu đồng để triển khai 4 mô hình chăn nuôi bò, dê, gà, vịt tại 15 xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho gần 23 ngàn người thuộc hộ nghèo vùng khó khăn để mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống.

Các mô hình sản xuất được quan tâm thực hiện đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh xuống còn 3,67% vào cuối năm 2017. Đặc biệt, các mô hình sinh kế bền vững đã hạn chế được tình trạng tái nghèo ở địa phương này. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo của tỉnh, hết năm 2017, toàn tỉnh Bình Thuận chỉ có 40 hộ tái nghèo. Trước đó, trong năm 2016, toàn tỉnh có 226 hộ tái nghèo.

Năm 2018, Trung ương tiếp tục phân bổ cho Bình Thuận trên 22,2 tỷ đồng để thực hiện giảm nghèo, tỉnh tiếp tục tập trung chủ yếu vào các xã ĐBKK, có tỷ lệ hộ nghèo cao. Bình Thuận đặt mục tiêu đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-1,2%. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh xác định việc thực hiện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ hộ nghèo thiếu đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,… là giải pháp hàng đầu để giảm nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo.

Đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo khuyến khích sự chủ động vươn lên của người nghèo. (Ảnh minh họa) Đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo khuyến khích sự chủ động vươn lên của người nghèo.
(Ảnh minh họa)

Cũng như Bình Thuận, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang hạn chế được tình trạng tái nghèo. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2017 theo Quyết định 862/QĐ-LĐTBXH ngày 4/7/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, hết năm 2017, cả nước có 24.191 hộ tái nghèo; phần lớn các hộ tái nghèo đều là những hộ chịu thiệt hại do thiên tai. Trước đó, năm 2016, cả nước có 31.212 hộ tái nghèo. Đặc biệt, hết năm 2017, cả nước có 10 tỉnh, thành phố không có tình trạng tái nghèo; một số tỉnh khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo.

Kết quả này một phần có sự đóng góp từ nguồn lực hỗ trợ của các dự án hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) chủ trì thực hiện. Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, hỗ trợ sản xuất là giải pháp quan trọng để giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập từ đó thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2011-2015, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được thiết kế trong các chương trình giảm nghèo; giai đoạn 2016-2020 được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Để triển khai có hiệu quả Dự án, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT (có hiệu lực từ tháng 11/2017) hướng dẫn các địa phương thực hiện. Sau khi Thông tư được ban hành, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo được triển khai thực hiện thuận lợi, nhiều hộ nghèo đã tự phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

KHÁNH THI

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.