Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Tây Nguyên thiếu nước

PV - 16:48, 10/04/2018

Dù chưa phải thời gian cao điểm của mùa khô, nhưng một số địa phương khu vực Tây Nguyên đã thiếu nước tưới, nước sinh hoạt, thậm chí có nơi người dân phải xếp hàng chờ lấy nước suối về sử dụng.

Sông suối cạn khô, nước ngầm tụt giảm

Mới đầu mùa khô người dân Gia Lai đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới, đồng khô, suối cạn, nước ngầm giảm đến nỗi giếng khoan gần trăm mét vẫn không đủ nước tưới.

Nhiều hồ nước ở Tây Nguyên cạn trơ đáy. Nhiều hồ nước ở Tây Nguyên cạn trơ đáy.

 

Hồ Bàu Nai, thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cung cấp nước tưới cho hàng trăm héc ta đất nông nghiệp, trong đó có diện tích lớn cây công nghiệp dài ngày. Tuy nhiên, đến nay nước hồ cạn chỉ còn tụ giữa lòng hồ. Lo sợ hết nước ông Nguyễn Khắc Liệu, thôn Bình An, xã Bàu Cạn đặt máy bơm công suất lớn 11MW để có nước tưới cho vườn cà phê 1.000 cây. “Khoảng chục ngày nữa mà không có mưa hồ Bàu Nai sẽ cạn trơ đáy, dân sẽ không có nước tưới đợt 3 cho cà phê”, ông Liệu dự tính.

Để tranh thủ nguồn nước hồ đập thủy lợi, sông suối, ngay từ giữa tháng 2 nhiều nông dân ở Đăk Lăk đã tranh thủ tưới cho cây trồng quên cả Tết. Tháng 2-3 là thời điểm cà phê nở hoa, đậu quả, nếu không đủ nước ảnh hưởng lớn đến năng suất cả vụ.

Ea M’droh là xã thuần nông có 11 thôn, buôn với hơn 1.780 hộ, hơn 8.280 khẩu, trong đó DTTS chiếm 70% dân số của xã. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 5.350ha. Nguồn nước phục vụ sản xuất chủ yếu từ suối Ea M’droh, Ea Rếch và đập Ea Rếch… Tuy nhiên, từ giữa tháng 2 đến nay, nước suối, hồ đập ở đây cạn đi rất nhanh khiến người dân thiếu nước tưới. Gia đình ông Châu Khánh Tú buôn Ea M’droh có 7 sào cà phê đã tưới được 2 đợt nước, đến đợt tưới thứ 3 thì suối cạn, không tìm được nguồn nước thay thế nên một số cây cà phê đã bắt đầu khô héo. Ông dự định, khoan giếng nhưng thấy nhiều hộ bỏ chi phí lớn khoan đến mấy lần vẫn không có nước hoặc chỉ đủ nước sinh hoạt nên ông lại thôi. Diện tích cà phê của gia đình ông đành chờ nước trời mưa xuống. Không chỉ thiếu nước sản xuất, hiện tượng thiếu nước sinh hoạt đã bắt đầu xảy ra.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đăk Lăk, niên vụ cà phê 2016-2017, toàn tỉnh có gần 203.704ha, trong đó cà phê kinh doanh 191.483ha. Niên vụ cà phê 2017-2018 diện tích cà phê kinh doanh có xu hướng giảm chỉ còn gần 190.000ha một phần nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi.

Xếp hàng lấy nước

Suốt Pết là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân xã xã Ayun, huyện Chư Sê (Gia Lai). Mùa mưa, dòng chảy của suối lớn, nhưng mùa khô thì nước chỉ chảy một dòng nhỏ ở chính giữa. Vì thế, gần 1 tháng qua, người dân Ayun phải xếp hàng dài bên bờ, chờ lấy được dòng nước trong, sạch về uống. Để đến được suối Pết, họ men theo con đường làng qua cánh đồng và băng qua cây cầu treo Hvắt khoảng 2km.

Buổi trưa và chiều là thời gian người dân tập trung ra suối Pết tắm giặt và lấy nước sau buổi đi làm rẫy về. Người già, trẻ nhỏ mang theo những chiếc can, chai nhựa, người tắm giặt người hứng nước vào chai náo nhiệt cả con suối. Đang rửa những chiếc chai nhựa, em Đen, xã Ayun cho biết: Nhà em có giếng nhưng cứ đến mùa này thì nước cạn, không đủ dùng nên hàng ngày em thay bố mẹ ra lấy nước về uống, nấu ăn. Trong làng cũng nhiều nhà có giếng nhưng đều rơi vào tình trạng chung là cạn nước vào mùa khô nên rất nhiều gia đình lấy nước suối.

Ayun là một trong những xã nghèo của huyện Cư Sê, chủ yếu đồng bào Jrai, Ba-na sinh sống nên đời sống còn nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề nước uống, nước sinh hoạt. Toàn xã có 14 làng, chính quyền địa phương đã kéo 3 bể nước sạch về trung tâm xã phục vụ cho người dân 7 làng, còn 7 làng còn lại bà con vẫn phải dùng nước suối. Năm 2018, huyện Chư Sê cũng đã có chủ trương tiếp tục kéo nước về phục vụ ăn uống cho bà con. Tuy nhiên, lượng nước khó đảm bảo đủ dung nên xã cũng khuyến cáo bà con chỉ sử dụng nước này để ăn uống, còn tắm giặt phải lấy nước suối.

Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các chủ đập, địa phương tích nước, lập kế hoạch điều tiết cho từng công trình; vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí; tuyên truyền dân sử dụng thiết bị tưới tiết kiệm nước như công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun dưới gốc. Đối với những vùng hay xảy ra hạn cuối vụ, thì khuyến khích dân chuyển lịch gieo trồng sớm hơn; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy.

LÊ HƯỜNG - VÕ PHÚC

 

Tin cùng chuyên mục
Đọc nhiều