Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Đặc khu Lý Sơn và câu chuyện trồng rừng

Trần Đình Quang - 4 giờ trước

Sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ngãi sẽ còn 56 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có một đơn vị mới là Đặc khu Lý Sơn. Với diện tích hơn 10 km², dân số trên 22.000 người, hòn đảo tiền tiêu này được kỳ vọng trở thành đặc khu phát triển xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, để Lý Sơn thực sự "cất cánh", bài toán trồng, bảo vệ và phục hồi rừng cây vốn từng bao phủ các ngọn núi và vùng ven biển đảo cần được đặt lên hàng đầu.

Một trong năm ngọn núi ở Lý Sơn với cây phi lao mọc lưa thưa
Một trong năm ngọn núi ở Lý Sơn với cây phi lao mọc lưa thưa

Trước năm 1975, Lý Sơn từng có những cánh rừng xanh phủ trên các đồi núi và nhiều khu vực quanh đảo. Theo lời kể của nhiều lão nông gắn bó với nghề trồng hành, tỏi tại đây, trong giai đoạn 1960 -1965, 5 ngọn núi trên đảo vẫn còn rừng cây cổ thụ như trâm, tra bể, chà rang, chồi mồi, duối, gạo, gòn, mù u, bời lời... Cây ăn quả cũng phong phú với ươi, bứa, ổi, nhàu. Đặc biệt, cây dừa được trồng dày đặc ven biển, nhờ khí hậu và chất đất đặc trưng nên nước dừa ở Lý Sơn có vị ngọt, thơm đặc biệt. Cũng từ đó mà làng An Vĩnh trên đảo có một khu dân cư mang tên Xóm Dừa.

Người dân Lý Sơn từ bao đời nay vốn coi trọng tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thần linh. Các cây cổ thụ trong khuôn viên lăng miếu, đình chùa vì vậy được gìn giữ cẩn thận, nhiều cây tồn tại hàng trăm năm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trọng - một người con của đảo cho biết, Lý Sơn mất rừng chủ yếu do hai nguyên nhân. Thứ nhất, dân số trên đảo tăng nhanh, người dân tự ý đốn chặt cây lâu năm để mở rộng diện tích trồng hành, tỏi. Thứ hai, trong thời gian 1965-1975, chiến tranh leo thang khiến nhiều người dân ven biển từ Bình Sơn đến Sa Huỳnh tản cư ra đảo, nhu cầu về chất đốt tăng cao. Bà con đã đốn cây rừng, phơi khô để dùng làm củi, khiến nhiều cánh rừng trên núi bị tàn phá.

Cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn trụ vững trong khuôn viên đình làng trên đảo
Cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn trụ vững trong khuôn viên đình làng trên đảo

Sau gần 50 năm kể từ ngày giải phóng, chính quyền huyện đảo đã nỗ lực trong công tác trồng và bảo vệ cây xanh, song diện tích rừng phục hồi vẫn rất hạn chế, độ che phủ thấp. Những khu đồi núi trọc còn nhiều. Các tuyến đường chính như đường ra cảng cá, đường lên chùa Hang, chùa Đục vẫn trơ nắng vào mùa hè, khiến du khách than phiền khi trải nghiệm du lịch trên đảo.

Dẫu vậy, trong những năm gần đây, khi Xí nghiệp môi trường đô thị Lý Sơn được thành lập, công tác trồng và chăm sóc cây xanh tại khu trung tâm huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là tiền đề quan trọng để Lý Sơn hướng tới mục tiêu trở thành đặc khu phát triển bền vững trong tương lai.

Công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị Lý Sơn, Quảng Ngãi chăm sóc cây xanh
Công nhân Xí nghiệp Môi trường đô thị Lý Sơn, Quảng Ngãi chăm sóc cây xanh
Màu xanh hiện diện tại khu vui chơi trung tâm huyện đảo Lý Sơn
Màu xanh hiện diện tại khu vui chơi trung tâm huyện đảo Lý Sơn

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác trồng và chăm sóc cây xanh ở đảo Lý Sơn hiện nay là hơn 300 ha đất trồng hành, tỏi - loại cây trồng chủ lực của người dân đều nằm dọc theo các trục đường chính. Vì vậy, việc trồng cây xanh ven đường không nhận được sự đồng thuận từ người dân do lo ngại ảnh hưởng đến ánh sáng và sự phát triển của cây hành, tỏi. Trước thực tế đó, chính quyền cần có giải pháp hài hòa, tính toán kỹ lưỡng để thỏa thuận với người dân về khoảng cách trồng cây xanh hợp lý, vừa tạo bóng mát, cải thiện cảnh quan môi trường, vừa đảm bảo điều kiện phát triển cho cây trồng đặc sản của đảo.

Đặc khu Lý Sơn trong tương lai cũng cần được quy hoạch cụ thể các khu chức năng như vùng du lịch, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí… tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng cây xanh. Khu vực ven biển nên ưu tiên phát triển cây dừa - loại cây đã gắn bó với đời sống cư dân đảo và có giá trị cả về sinh thái lẫn kinh tế. Mỗi nhà hàng, khách sạn, cơ quan, trường học trên đảo cần tăng cường trồng và chăm sóc cây xanh như một phần trách nhiệm phát triển bền vững.

Mô hình phát triển rừng tại xã Côn Sơn - kinh nghiệm cần nhân rộng cho huyện đảo Lý Sơn
Mô hình phát triển rừng tại xã Côn Sơn - kinh nghiệm cần nhân rộng cho huyện đảo Lý Sơn
Một góc nhìn Lý Sơn - nơi đang từng bước hướng tới đặc khu phát triển bền vững
Một góc nhìn Lý Sơn - nơi đang từng bước hướng tới đặc khu phát triển bền vững

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trọng năm nay đã ngoài 90 tuổi vẫn miệt mài viết sách, viết báo, đóng góp nhiều ý tưởng cho phát triển cây xanh tại đảo Lý Sơn. Ông cho biết, mong mỏi lớn nhất của ông cũng như nhiều cụ già ở Lý Sơn là sau khi sáp nhập, đảo thực sự trở thành một đặc khu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mà điều kiện tiên quyết là phải khôi phục và bảo vệ rừng.

"Có rừng, du lịch sẽ phát triển. Du khách sẽ tìm về với hòn đảo giàu tiềm năng biển đảo này nhiều hơn. Việc phát triển rừng phải đi đôi với giáo dục ý thức bảo vệ cây xanh trong cộng đồng, khuyến khích mỗi công dân sinh sống trên đảo trồng ít nhất hai cây xanh trên đất vườn nhà hoặc ven biển. Các loại cây như dừa, phi lao, bàng vuông - vốn có sức sống mạnh mẽ trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt cần được ưu tiên phát triển rộng khắp. Nếu làm được điều đó, Lý Sơn sẽ không chỉ là đặc khu kinh tế - hành chính, mà còn là vùng đất đáng sống, điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trọng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Mưa lớn gây nhiều thiệt hại ở Lai Châu và Lào Cai

Mưa lớn gây nhiều thiệt hại ở Lai Châu và Lào Cai

Đêm 14 và sáng 15/5, tại khu vực hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, khiến 1 người tử vong, thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.