Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tây Trà- Ngổn ngang khó khăn sau ngày sáp nhập

Lê Phương - 15:29, 02/04/2021

Sau hơn một năm huyện Tây Trà sáp nhập vào huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), tưởng chừng sẽ có luồng gió mới thổi vào, xua tan cái đói, cái nghèo. Thế nhưng bao khó khăn vẫn “nằm lại” cùng hơn 2 vạn dân của huyện Tây Trà cũ và những khó khăn mới lại tiếp tục chồng lên...

Đường lên Tây Trà
Đường lên Tây Trà

Đói nghèo trở lại...

Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp về thăm lại những buôn làng ở miền tây Trà Bồng. Những con đường vắng hoe, những ngôi nhà nằm trơ trọi dưới cái nắng bỏng rát, buôn làng vắng vẻ, buồn hiu. 

Tại khu tái định cư hồ chứa nước Nước Trong, thuộc thôn Hà Riềng, xã Trà Phong, chúng tôi bắt gặp từng tốp trai tráng tụ tập dưới gốc cây đầu làng. Hỏi thăm mới biết là họ không có việc làm nên ra ngồi chờ “được tuyển” vào làm công nhân cho công trình thủy điện Trà Phong. Còn phụ nữ, trước đây nhiều người làm phục vụ cho các quán ăn, quán tạp hóa giờ quán đóng cửa, thất nghiệp nên phải làm đủ nghề, từ phát keo, hái rau rừng, bắt ốc... nhưng thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. 

Mong nhà nước hỗ trợ dạy nghề hoặc cấp đất sản xuất để làm chứ tình hình này kéo dài thì không ổn chút nào.

Chị Hồ Thị TìnhNgười dân thôn Hà Riềng

Chị Hồ Thị Đang, ở thôn Hà Riềng, than thở: "Nhà mình có mấy mảnh ruộng thì bị thu hồi làm hồ chứa nước Nước Trong gần hết. Số diện tích còn lại nay nước hồ dâng cao đã ngập úng hết rồi. Nước dâng ngập chết hết cả lồ ô. Mọi năm, giờ này bán lồ ô được vài chục triệu đồng, đủ trang trải đến khi lúa chín. Giờ không còn ruộng, không có lồ ô, không có ai gọi đi làm, chưa biết lấy gạo đâu mà ăn".

Không riêng gì gia đình chị Đang, gần 100 hộ dân thôn Hà Riềng cũng không có việc làm, cuộc sống khó khăn vô cùng. Chị Hồ Thị Tình, một người dân trong thôn chia sẻ: Ruộng, rẫy thì đã bị Nhà nước thu hồi, không còn đất để sản xuất. Người dân chúng tôi không làm ruộng, làm rẫy thì cũng chẳng biết làm gì. 

Nhiều trụ sở của huyện Tây Trà cũ bỏ hoang lãng phí
Nhiều trụ sở của các cơ quan huyện Tây Trà cũ bỏ hoang, gây lãng phí

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai loại cây chủ lực mang lại thu nhập cho người dân miền tây Trà Bồng là lồ ô và keo, nhưng hiện nay thương lái thu mua rất ít. Dọc các ngả đường về xã Sơn Trà (xã Trà Quân và Trà Khê cũ), lồ ô được người dân thu hoạch, chất thành từng đống đợi thương lái.

Anh Hồ Văn Quây, ở thôn Trà Suông, xã Sơn Trà cho biết: Mình lên rẫy chặt lồ ô mấy ngày nay, vác xuống đường, chất sẵn, nhưng chưa thấy có người đến mua. Giờ này mấy năm trước, họ đi hỏi mua lồ ô nhiều lắm, giá đến 10 nghìn đồng mỗi cây, nhưng không hiểu sao nay lại không mua nữa. 

“Còn keo thì giá thu mua chỉ 700 nghìn đồng/tấn, chưa kể keo còn non thì hầu như không bán được. Giờ nhà đã hết gạo rồi, tiền không có nên chắc phải mua nợ rồi về trung tâm huyện làm mướn để trả”, anh Quây than thở.

Ngổn ngang sau ngày sáp nhập

Tháng 1/2020, huyện Tây Trà có quyết định sáp nhập vào huyện Trà Bồng. Từ ngày nhập về Trà Bồng, nhiều trụ sở làm việc bị bỏ hoang lãng phí; công trình, dự án thi công dở dang cũng dừng lại; Nhiều con đường đào ra rồi để đấy... vừa nham nhở, nhếch nhách vừa lãng phí tiền của.

Chưa kể, sau sáp nhập, việc giải quyết các thủ tục hành chính, khám chữa bệnh, học hành của con trẻ... tất cả đều bị đảo lộn. Theo người dân miền tây Trà Bồng, từ ngày nhập huyện, dẫu có tổ công tác tiếp nhận thủ tục để mang về huyện Trà Bồng giải quyết, có cán bộ y tế trực đón tiếp người bệnh tại bệnh viện..., nhưng thực tế vẫn khác rất nhiều so với ngày chưa sáp nhập.

Đơn cử như việc khám chữa bệnh trở nên rất khó khăn, vì khoảng cách xa hơn gấp nhiều lần. Bà Hồ Thị Lai, một người dân cho biết: "Mình ở tận thôn Đông, xã Sơn Trà, về đến phòng khám ở Trà Phong đi xe máy mất cả buổi. Cán bộ y tế khám bảo mình về tận Trà Bồng, mình đi không nổi đâu. Mình quay về trạm y tế xã để xin thuốc uống cũng được", bà Lai phân trần.

Sản phẩm từ cây lồ ô tạo thu nhập chính cho người dân miền tây Trà Bồng nhưng đang gặp khó khăn về đầu ra nên gặp nhiều khó khăn
Sản phẩm từ cây lồ ô tạo thu nhập chính cho người dân miền tây Trà Bồng nhưng đang gặp khó khăn về đầu ra

Đó là chưa kể tới tình trạng thiếu đất sản xuất kéo dài ở các thôn, làng chưa được quan tâm giải quyết. Điển hình như tại khu tái định cư hồ chứa Nước Trong thuộc thôn Hà Riềng, xã Trà Phong nói trên. Những bất cập này đã khiến cuộc sống của người dân khó khăn muôn phần...

Tâm sự với chúng tôi, già làng Hồ Văn Bênh ở làng Gấm, thôn Trà Ong, xã Sơn Trà bộc bạch: Mỗi lần chia tách hay sáp nhập, là cuộc sống của người dân lại đảo lộn. Chúng tôi mong Đảng, chính quyền, cấp trên quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân nơi đây; đặc biệt là chỉ bảo, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo. Những việc dở dang cứ tiếp tục làm, nhất là các công trình làm đường, cầu, chuyện học hành của con trẻ...

Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ: Chính quyền cũng đồng cảm với những khó khăn của người dân. Bởi khi sáp nhập, mọi cái đều phải sắp xếp lại nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Thời gian tới, huyện sẽ quan tâm hơn đến vấn đề dân sinh, bố trí lại đất sản xuất cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình dang dở để tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Quảng Nam: Thành lập Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên cả nước

Tỉnh Quảng Nam vừa đưa vào hoạt động Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước. Đây là hoạt động triển khai thực hiện Đề án tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia - Quảng Nam 2024 - Chung sống hài hòa với thiên nhiên; đồng thời hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 - “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học” và Ngày Quốc tế Bảo tàng 2024 - “Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu”.