Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Tết Độc lập đặc biệt

Duy Ly - 14:55, 31/08/2021

Hàng năm, vào những ngày này, cả nước đang tưng bừng, phấn khởi kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9. Tuy nhiên năm nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, tại nhiều địa phương, các hoạt động kỷ niệm phải tạm gác lại, dồn sức cho việc chống dịch.

Treo cờ Tổ quốc mừng ngày Tết Độc lập. (Ảnh: sưu tầm)
Treo cờ Tổ quốc mừng ngày Tết Độc lập. (Ảnh: sưu tầm)

Tại Thủ đô Hà Nội, đợt giãn cách xã hội thứ 3 vẫn đang được thực hiện đến 6h ngày 6/9/2021, song song với đó các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 cũng đang được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai.

Trên nhiều tuyến đường trong Thành phố, công tác tuyên truyền cổ động trực quan như treo cờ đỏ sao vàng, pano, áp phích đã được thực hiện nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống yêu nước trong quần chúng Nhân dân Thủ đô. Đơn cử như các cụm pano tại khu vực Cát Linh - Giảng Võ, Trần Nhân Tông, khu vực ngã ba, các vườn hoa, quảng trường, khu vực Nhà hát Lớn, Ngân hàng Nhà nước; khu vực quận Ba Đình...

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội có kế hoạch dành tặng 3.727 suất quà cho đối tượng chính sách là người có công và cơ sở cách mạng, với tổng kinh phí là 3,818 tỷ đồng. Qua đó tiếp tục tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt là quan tâm đến người có công với cách mạng, đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Bà Nguyễn Thị Dung, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội chia sẻ: "Tết Độc lập năm nay không náo nhiệt mà bình lặng. Nhưng trong tâm khảm người dân chúng tôi, vẫn luôn hướng về ngày Quốc khánh với sự biết ơn và lòng tự hào. Chúng tôi sẽ đồng lòng cùng chính quyền và người dân cả nước chống dịch". 

Tại các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, dịp lễ Quốc khánh năm nay, đúng vào giai đoạn cao điểm nhất của đợt dịch này, với số ca mắc mỗi ngày ghi nhận ở mức cao. Thành phố hiện đang tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội để quyết liệt kiểm soát dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương khác trên cả nước, đặc biệt những nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, việc thực hiện nghiêm khuyến cáo của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch vẫn đang được đảm bảo. Các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 sẽ tùy tình hình mỗi địa phương để tổ chức, đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, và phòng, chống dịch.

Tại Sơn La, từ lâu Tết Độc lập đã trở thành ngày hội lớn trong năm, không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc ở đây, mà còn là dịp để thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với địa phương, hòa mình vào các hoạt động nhân ngày Quốc khánh. Nhưng năm nay, người Mông không "xuống chợ” mà đón Tết Độc lập ngay tại nhà. Bởi trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, cấp ủy, chính quyền đã tuyên truyền, vận động Nhân dân đón Tết Độc lập tại nhà đảm bảo an toàn.

Với đồng bào Bru Vân Kiều ở Quảng Trị, năm nào cũng vậy, sau ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân từ già đến trẻ đều ngóng chờ ngày Tết Độc lập. Bà con chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường bản, treo cờ Tổ quốc và mua cho con trẻ quần, áo mới để mặc trong ngày Tết Độc lập. Năm nay, để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương và các già làng đã cùng thống nhất, không tổ chức vui Tết Độc lập như những năm trước, mà chỉ từng nhà làm mâm cơm để thắp hương lên bàn thờ của Bác Hồ.

Người dân thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Tết Độc lập. (Ảnh: sưu tầm)
Người dân thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Tết Độc lập. (Ảnh: sưu tầm)

Tại khu vực Tây Nguyên, cứ đến dịp Quốc khánh hầu như buôn làng nào ở đây cũng đỏ rợp bóng cờ. Chào đón Tết Độc lập, mỗi gia đình đều chuẩn bị sẵn sàng một tiết mục văn  hóa văn nghệ truyền thống để trình diễn với buôn làng, như một sự ghi nhớ nguồn cội. Năm nay, dù các hoạt động phần hội bị hạn chế, nhưng trong trái tim mỗi người dân Tây Nguyên, Tết Độc lập luôn là ngày Tết đặc biệt và thiêng liêng.

Với đồng bào Khmer ở Nam Bộ, vào ngày Tết Độc lập, nhiều gia đình đã trang trí ảnh Bác trên bàn thờ; các hàng rào cây xanh cũng được bà con cắt tỉa gọn gàng để làm đẹp lối về phum sóc. Công việc này, đã rất quen thuộc với người dân trong nhiều năm qua. Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đồng bào Khmer vẫn luôn giữ ý thức cùng chính quyền và Nhân dân các dân tộc anh em trên cả nước chung tay phòng chống dịch bệnh.

Nhớ đến thời khắc lịch sử của dân tộc, chúng ta thêm phần tự hào và vững tin rằng, với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", trên dưới một lòng, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch.

Tin cùng chuyên mục
Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng việc Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu: Đồng chí Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch nước và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội để Quốc hội khoá XV bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội.