Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tết Hồ Sự Chà của người Hà Nhì

PV - 10:08, 30/11/2018

Giữa tháng 10 đầu tháng 11 hằng năm, những bản làng người Hà Nhì ở Mường Tè (Lai Châu) lại tưng bừng vui Tết Hồ Sự Chà. Đây là Tết truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Hà Nhì.

Tết Hồ Sự Chà. Người Hà Nhì thể hiện điệu múa truyền thống trong ngày Tết Hồ Sự Chà.

Khi những bông hoa dã quỳ vẫn còn nặng trĩu sương đêm, tiếng chày giã gạo đã vang lên trong những căn nhà của người Hà Nhì ở bản Pa Thắng, xã Thu Lũm (huyện Mường Tè). Những em nhỏ cũng đã thức giấc để bố mẹ mặc cho bộ quần áo mới, cùng vây quanh bếp lửa hồng, háo hức chờ những chiếc bánh dày nóng hổi.

Ông Chu Hừ Chừ, Trưởng bản Pa Thắng, xã Thu Lũm, cho biết: “Tết truyền thống của người Hà Nhì là dịp để những người con đi xa trở về nhà sum họp, báo hiếu ông bà, cha mẹ, tổ tiên và thăm hỏi người thân. Vì thế để chuẩn bị đón Tết, công việc không thể thiếu là làm bánh dày, mổ lợn cúng tổ tiên”.

Ông Chừ bảo: Với Tết Hồ Sự Chà, chỉ riêng việc mổ lợn đã là một câu chuyện dài. Theo phong tục của người Hà Nhì, lợn để ăn Tết chỉ được mổ trong ngày đầu tiên hoặc ngày thứ ba của ngày Tết, tuyệt đối không được mổ vào ngày thứ hai. Theo quan niệm, nếu mổ lợn vào ngày thứ hai sẽ là ngày xung khắc, sau này gia chủ sẽ không thể nuôi lợn được nữa.

Cùng với việc mổ lợn, giã bánh dày cũng được người Hà Nhì thực hiện vào sáng sớm ngày mùng Một Tết. Họ quan niệm, tổ tiên là đấng bề trên, bánh dâng cúng phải nóng hổi, phải to hơn bánh bình thường thì mới thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên. Do đó, vào ngày đầu tiên của Tết trong mâm cỗ cúng tổ tiên không thể thiếu bánh dày, thịt lợn, cháo, rượu, chè.

Đặc biệt, người Hà Nhì vẫn lưu giữ được phong tục truyền thống, vào sáng mùng Một Tết, sau khi cúng tổ tiên xong, con cháu nội ngoại sẽ tập trung cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên, chúc Tết ông bà, cha mẹ. Khi các thủ tục đã xong, cả gia đình sẽ được ông bà chia lộc cúng và cầu chúc cho con cháu khỏe mạnh, thành đạt.

Anh Lý Phạm Xè, người con của bản Pa Thắng chia sẻ thêm về Tết cổ truyền của dân tộc mình, mặc dù đi làm ăn xa nhưng chưa năm nào anh lỡ hẹn Tết cổ truyền ở chính mảnh đất anh sinh ra.

Tết Hồ Sự Chà Đồng bào Hà Nhì làm bánh dày truyền thống để ăn Tết Hồ Sự Chà.

“Người Hà Nhì rất coi trọng sự thiêng liêng trong các ngày lễ, Tết như người Kinh, cũng đón Tết Hồ Sự Chà trong 3 ngày. Và trong những ngày này, các gia đình sẽ chuẩn bị lễ vật cúng mời tổ tiên về mừng năm mới, tổ chức vui chơi, thăm hỏi, chúc nhau những điều may mắn, tốt đẹp”, anh Xè cho biết.

Còn theo Trưởng bản Pa Thắng, ông Chu Hừ Chừ, Tết của người Hà Nhì không được tổ chức cố định vào một ngày nào trong năm cũng không được thống nhất về mặt thời gian. Do đó, việc ăn Tết vào ngày nào, thường là do Hội đồng già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất trong từng năm. Tuy nhiên, việc lựa chọn phải dựa trên các yếu tố như: thời tiết, mùa màng, khả năng kinh tế của mỗi hộ.

“Đặc biệt, Tết Hồ Sự Chà của người Hà Nhì tuyệt đối phải được chọn vào ngày Thìn, bởi người Hà Nhì quan niệm đó là ngày của “thần thánh”. Và trong tâm thức của họ, Tết là lúc mà Thượng đế xuống kiểm tra công việc, cuộc sống của người dân trong năm qua”, ông Hừ cho hay.

Văn nghệ là một trong những nét văn hóa không thể thiếu trong ngày Tết Hồ Sự Chà của dân tộc Hà Nhì với những điệu múa thiêng liêng và ý nghĩa mô phỏng các động tác điển hình trong lao động, sản xuất và trong chính cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Có lẽ, cũng từ chính những nét văn hóa độc đáo ấy cộng với sự thân thiện, hiếu khách vốn có của họ mà Tết Hồ Sự Chà đã làm say lòng biết bao khách tham dự và đã trở thành nét văn hóa đặc sắc ở khu vực miền núi Tây Bắc.

HOÀI DƯƠNG