Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tết Khu cù tê đặc trưng văn hóa của người La Chí

PV - 09:30, 13/01/2018

Với đồng bào dân tộc La Chí tại bản Díu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang thì Tết Khu cù tê có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống của đồng bào. Bởi, nói đến người La Chí người ta sẽ nghĩ ngay đến Tết Khu cù tê và ngược lại. Năm 2014 Tết Khu cù tê đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tết Khu cù tê còn có tên gọi khác là Cu cù tê là ngày lễ lớn nhất trong năm của người La Chí, tỉnh Hà Giang. Ông Lương Đức Khương, Hội Nghệ nhân dân gian bản Díu, huyện Xín Mần cho biết: Tết Khu cù tê được diễn ra vào ngày 1/7 âm lịch. Đây là thời điểm sau khi bà con đã cấy xong, làm lễ để mong cho một mùa màng bội thu, cả làng bình yên và có được sức khỏe tốt. Trong lễ cúng thì thịt trâu là thực phẩm bắt buộc phải có để cúng tổ tiên.

Trưởng tộc làm lễ cúng mời tổ tiên về ăn Tết. Trưởng tộc làm lễ cúng mời tổ tiên về ăn Tết.

 

Theo phong tục truyền thống của người La Chí, bà con chỉ thờ cúng những người đã mất tính từ 3 đời trở lại tại nhà của trưởng tộc của các dòng họ. Đồ lễ cúng gồm: Sừng trâu (biểu hiện cho chiếc chén mời tổ tiên), củ gừng (tượng trưng cho lời mời gọi tổ tiên về ăn Tết), sọt tre (tượng trưng cho bát, đĩa đựng thức ăn đồ cúng mời tổ tiên), chén vại (để rót rượu mời tổ tiên), thịt trâu, thịt lợn, rượu hoẵng.

Sau khi chuẩn bị xong đồ lễ, trưởng tộc bắt đầu đọc bài cúng với nội dung mời tổ tiên của người La Chí về ăn Tết cùng dân bản, cùng ăn thịt trâu mà dân bản nuôi được, cùng ăn xôi mà dân bản trồng được, cùng uống rượu ngọt (rượu hoẵng) như tấm lòng thơm thảo của dân bản có ý nghĩa cầu mong cho cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, cầu cho dân bản sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Kế tiếp, trưởng tộc buộc củ gừng vào sợi chỉ cầm bên tay phải, tay trái cầm sừng trâu, bên trong đựng rượu hoẵng, miệng đọc bài cúng ba đời trở lại. Trưởng tộc sẽ mời các linh hồn là nam giới trước tiên, các linh hồn này về sẽ nhập vào những người phụ giúp việc cho trưởng tộc.

Kết thúc phần cúng là màn đánh chiêng trống. Điệu múa trống, múa chiêng thể hiện sự vui mừng phấn khởi của dân bản sau một năm trồng trọt chăn nuôi, mùa màng bội thu và cũng là sự tôn kính và cảm ơn tổ tiên đã phù hộ cho dân bản sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Khi tiếng trống của người phụ giúp cuối cùng dừng lại cũng là lúc nghi lễ kết thúc. Chủ nhà dọn mâm mời tất cả mọi người tham dự uống rượu, ăn thịt trâu.

Màn đánh trống, chiêng của người phụ giúp trưởng tộc trong buổi lễ. Màn đánh trống, chiêng của người phụ giúp trưởng tộc trong buổi lễ.
Đồng bào hát giao duyên sau phần cúng lễ đã xong. Đồng bào hát giao duyên sau phần cúng lễ đã xong.

 

Cũng theo ông Khương, đồng bào La Chí luôn có ý thức bảo tồn, truyền dạy cho con cháu những nét đẹp, ý nghĩa của ngày Tết. Trong mỗi gia đình, nhà nào có người lớn tuổi sẽ dạy lại cho con cháu, nếu nhà nào không có người lớn tuổi, thì các thế hệ trẻ sẽ được các thành viên trong Hội Nghệ nhân của bản truyền dạy lại. Mới đây, đồng bào La Chí ở bản Díu đã tái hiện lại không gian ngày Tết tại Làng văn hóa, Du lịch các Dân tộc Việt Nam.

Tết Khu cù tê của người La Chí có lịch sử lâu đời, Tết còn là dịp để người trong dòng tộc, cộng đồng ở khắp nơi về sum họp, tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, qua đó góp phần duy trì và gắn kết cộng đồng, dân tộc. Năm 2014, đồng bào La Chí vui mừng khi Tết Khu cù tê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.