Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Tết trồng cây, nghĩ về công tác quản lý, bảo vệ rừng

An Yên - 13:37, 03/03/2024

Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, các địa phương trên cả nước đã náo nức ra quân, phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Đó chính là một thông điệp đầy ý nghĩa của người đứng đầu Chính phủ trước mùa xuân mới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham gia lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Giáp Thìn năm 2024 tại Tuyên Quang
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham gia lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Giáp Thìn năm 2024 tại Tuyên Quang

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc trồng cây, trồng rừng, hàng năm, các địa phương trên cả nước đã náo nức ra quân, phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Vai trò, ý nghĩa của việc trồng cây đã được Bác nhắc nhở, lưu ý từ rất lâu. Năm 1959, tại Lễ phát động trồng cây lần đầu tiên, Bác Hồ đã nói: “Mùa Xuân là tết trồng cây. Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. 65 năm đã trôi qua, khắc ghi lời dạy của Bác, khi mùa Xuân về, Nhân dân cả nước lại cùng nhau thi đua trồng cây.

Phong trào trồng cây ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm và chú ý. Bằng chứng rõ nhất là Đề án trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo quyết định 524 ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cả nước sẽ phấn đấu đến hết năm 2025 trồng được một tỷ cây xanh. Trong đó, có 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thực hiện đề án này, những năm qua, các địa phương trên cả nước đã tổ chức các hoạt động “trồng cây gây rừng”, dự án trồng rừng, dự án trồng cây nguyên liệu… góp phần nâng cao độ che phủ rừng.

Ngay tại Quảng Trị, trong năm qua, tỉnh này đã trồng được trên 11.500 ha rừng và trên 3 triệu cây phân tán; sản xuất trên 30 triệu cây giống lâm nghiệp các loại để tổ chức trồng rừng tập trung. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đưa vào tiêu thụ đạt trên 1 triệu mét khối, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; độ che phủ rừng đạt 49,9%, góp phần quan trọng ổn định môi trường sinh thái và giảm thiểu hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.

Tại Nghệ An, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, trong năm 2023, kế hoạch trồng rừng 18.500ha nhưng vượt kế hoạch khoảng hơn 1.500ha. Toàn tỉnh cũng đã tạo được hơn 35 triệu cây giống keo các loại. Tính đến nay, tỉnh Nghệ An có 962.230,69ha rừng, trong đó có 789.933,97ha rừng tự nhiên, 172.296,52ha rừng trồng, độ che phủ rừng đạt 58,36%.

Trên bình diện cả nước, thực hiện các chương trình, đề án trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán; năm qua, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; duy trì, phát triển hơn 14,7 triệu héc ta rừng, trong đó có 4,6 triệu héc ta rừng trồng, đã tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân. Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2023 đạt 14,4 tỷ USD. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt trên 32 triệu m3 gỗ. Lần đầu tiên Việt Nam bán tín chỉ carbon rừng, thu được gần 1.200 tỷ đồng.

Làm đất chuẩn bị trồng rừng nguyên liệu ở huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An
Làm đất chuẩn bị trồng rừng nguyên liệu ở huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An

Sau 3 năm thực hiện Đề án trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, cả nước trồng được gần 770 triệu cây, đạt 121% so với kế hoạch; gồm: 335 triệu cây xanh phân tán; trồng rừng tập trung đạt trên 212.000ha với 435 triệu cây xanh.

Ý thức trồng cây, trồng rừng ngày một nâng cao. Không chỉ là bởi mỗi người dân khắc ghi lời Bác dạy, mà còn bởi ai ai cũng nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng từ trồng cây, trồng rừng mang lại. Nhưng chỉ trồng thôi, thì chưa đủ. Trồng còn cần phải gắn chặt chẽ với bảo vệ để cây trồng phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao hơn. Bởi trồng cây gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chính là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; để tương lai chúng ta thêm xanh, sạch hơn. Quan trọng hơn, còn là để bảo vệ thành quả mà chúng ta trồng xuống, với biết bao công sức, hi vọng, trông mong.

Thực tế cho thấy, vấn đề trồng cây và phát triển rừng đang còn gặp một số khó khăn. Hầu hết diện tích đất chưa trồng rừng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch, duy trì diện tích đất cho trồng cây xanh đô thị chưa được quan tâm đúng mức; diện tích đất cây xanh đô thị hiện nay thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị.

Mặt khác, vốn đầu tư cho phát triển rừng còn hạn chế, phân bổ chậm, mức hỗ trợ trồng cây, trồng rừng còn thấp so với yêu cầu thực tiễn. Tình hình quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa bàn vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các vụ việc tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp...

Hãy nhìn từ Nghệ An để thấy rõ điều đó. Trong rất nhiều năm, chế độ cho nhân viên bảo vệ rừng thấp, chậm… đã dẫn đến nhiều người giữ rừng bỏ việc, chuyển nghề… dẫn đến an ninh rừng bị đe dọa nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc chặt phá rừng nổi lên đầy nhức nhối ở huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp… Tất cả đã đặt công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Nghệ An trước những thách thức lớn.

Trở lại với phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, để phong trào này thực sự thiết thực, hiệu quả; đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng cao hơn nữa, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng.

Muốn bảo vệ và phát triển rừng, trước hết cần tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch trồng cây phân tán, trồng rừng tập trung, phát triển lâm sản ngoài gỗ, nông, lâm kết hợp. Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nâng cao giá trị đa dụng của rừng.

 Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp, đồng thời tăng cường huy động xã hội hóa, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực, tham gia trồng cây, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Trồng rừng gỗ lớn cho giá trị thu nhập cao
Trồng rừng gỗ lớn cho giá trị thu nhập cao

Các cơ quan, đơn vị không chuyên trách cần chú trọng phát triển các loài cây trồng lâm nghiệp bản địa đa mục đích; kết hợp trồng cây lâm sản ngoài gỗ để nâng cao giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Đẩy mạnh trồng cây xanh lâu năm phân tán ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu văn hóa - lịch sử, hành lang giao thông kết hợp phòng hộ trong khu canh tác nông nghiệp.

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) 1719, một số dự án, tiểu dự án còn vướng mắc trong thực hiện do người dân chưa được giao đất, giao rừng. Vì thế, phải khẩn trương tổ chức thực hiện và hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến chủ rừng thực sự.

Hiện nay, các Chương trình MTQG đang triển khai rầm rộ ở các địa phương. Trong đó có một số dự án, tiểu dự án liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Vì thế, ngoài việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đầu tư khác; thì cần lồng ghép với các Chương trình MTQG đang triển khai để thực hiện thành công Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Ở góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của các bộ, ngành, các cấp chính quyền theo đúng quy định của pháp luật; xác định rõ vai trò của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm. Đồng thời, đấu tranh, ngăn chặn xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Trồng một cây là có rừng, góp một cây là có rừng. Hãy hành động ngay từ bây giờ nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.