Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Thái Nguyên chuẩn bị tốt các điều kiện khai hội Đền thờ Hoàng đế đầu tiên của Việt Nam

Minh Nhật - 15:19, 07/02/2025

Lễ hội đền thờ Lý Nam Đế (là Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam) sẽ diễn ra vào ngày 09/02/2025 (tức 12 tháng Giêng âm lịch) tại Khu di tích Quốc gia Đền thờ Lý Nam Đế thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và TP. Phổ Yên kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Hội đền Lý Nam Đế. Ảnh: TL
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và TP. Phổ Yên kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Hội đền Lý Nam Đế. Ảnh: TL

Đền thờ Lý Nam Đế (còn gọi là đền Mục) nằm trên địa phận của tổ dân phố Hòa Bình, phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, di tích quan trọng liên quan đến việc phát tích quê hương gốc của vua Lý Nam Đế.

Vua Lý Nam Đế tên thật là Lý Bí, ông là người đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam xưng Hoàng đế, sánh ngang hàng với các bậc Hoàng đế Trung Hoa ở phương Bắc lúc bấy giờ, người có công to lớn khai sinh ra nước Vạn Xuân, tiền thân của nước Việt Nam ngày nay.

Theo tư liệu điền dã thực địa và các thần tích, truyền thuyết còn lưu giữ, các nhà sử học hàng đầu Việt Nam đã kết luận, Lý Bí được sinh ra tại làng Cổ Pháp xưa, thuộc Châu Dã Năng, xứ Kinh Bắc, nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên. Tương truyền khi ông được 5 tuổi thì bố mất, lúc 7 tuổi mẹ qua đời, Lý Bí được Pháp Tổ thiền sư đưa vào chùa Hương Ấp, cùng ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong để nuôi dưỡng.

Năm 542, với tài đức, văn võ song toàn, Lý Bí đã liên kết các hào kiệt, lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa, đánh đuổi được quân đô hộ nhà Lương, rồi xưng là Nam Đế (vua nước Nam) vào ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý, đặt tên nước là Vạn Xuân, khai sinh triều đại Tiền Lý. Ông mất ngày 20/3/548. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Vua Lý Nam Đế, Nhân dân đã lập đền Mục và hằng năm, Nhân dân thôn Cổ Pháp vẫn tổ chức dâng lễ, thờ cúng vào các ngày sinh, ngày mất và ngày xưng Vương của ông. Ngày 12/01 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày lễ hội chính của đền Mục.

Với giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng không những của Thái Nguyên mà còn của Quốc gia, năm 2014 đền Mục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia và chính nơi đây, từ lâu đã trở thành nơi sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng không thể thiếu của người dân trong vùng và du khách thập phương.

Công tác chuẩn bị lễ hội tại đền thờ Lý Nam Đế đã hoàn tất. Ảnh: TL
Công tác chuẩn bị Lễ hội tại đền thờ Lý Nam Đế đã hoàn tất. Ảnh: TL

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, tỉnh Thái Nguyên đã tu bổ, tôn tạo đền thờ Lý Nam Đế với diện tích 7.500m2, nguồn ngân sách nhà nước hơn 75 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiến trúc, kỹ thuật, mỹ thuật, xứng tầm với giá trị lịch sử và văn hóa mà di tích lưu giữ. Công trình đã được khánh thành vào ngày 02/11/2024.

Xác định đây là một sự kiện văn hóa xã hội có ý nghĩa quan trọng với thành phố Phổ Yên nói riêng, tỉnh Thái Nguyên nói chung, nên để chuẩn bị cho Lễ hội đền thờ Lý Nam Đế diễn ra trang trọng, an toàn, đúng kế hoạch, đúng quy định của pháp luật, đến thời điểm này, các đơn vị liên quan đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị từ công tác đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, hệ thống điện nước, bãi đỗ xe, các địa điểm tổ chức phần lễ, hội… đảm bảo tuyệt đối cho các hoạt động diễn ra trong quá trình tổ chức buổi lễ.

Lễ hội được tổ chức bao gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nội dung: Rước lễ, dâng hương, dâng lễ, văn nghệ chào mừng, trống hội, múa lân sư rồng, đồng diễn võ cổ truyền…

Phần hội có các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian truyền thống (như cờ tướng, vật cổ truyền, kéo co, bóng chuyền, bóng chuyền hơi và các trò chơi dân gian như: Đánh đu, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, nhảy bao bố… Ngoài ra, còn có chương trình nghệ thuật ca múa nhạc diễn ra vào 20h ngày 11 tháng Giêng.

Đền thờ Lý Nam Đế được trùng tu, tôn tạo khang trang trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng. Ảnh: TL
Đền thờ Lý Nam Đế được trùng tu, tôn tạo khang trang trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng. Ảnh: TL

Lễ hội là chuỗi các hoạt động nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sinh ra vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Thông qua Lễ hội để tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân nâng cao sự hiểu biết về thân thế, sự nghiệp, tầm vóc và công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc-Hoàng đế Lý Nam Đế. 

Ngoài ra, còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc, quảng bá tiềm năng du lịch, thu hút khách trong và ngoài tỉnh về với Phổ Yên, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Phổ Yên anh hùng, địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Khởi tố, bắt tạm giam nhân viên pha chế liên quan vụ 2 người nước ngoài tử vong

Quảng Nam: Khởi tố, bắt tạm giam nhân viên pha chế liên quan vụ 2 người nước ngoài tử vong

Ngày 7/2, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam đã thi hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Tấn Gia (SN 1979, trú tại phường Cẩm Nam, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.