Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thái Nguyên: Hiệu quả bảo tồn văn hoá truyền thống thông qua mô hình câu lạc bộ

Đài Trang - 11:52, 23/11/2023

Thời gian qua, xuất phát từ nhu cầu gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, cộng đồng dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thành lập nhiều câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Việc thành lập và phát triển mô hình câu lạc bộ văn hóa đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, qua đó tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc được trực tiếp tham gia, đồng thời được hưởng thụ các kết quả do hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mang lại.

CLB hát then, đàn tính liên thế hệ của xã Phúc Lương, huyện Đại Từ
CLB hát then, đàn tính liên thế hệ của xã Phúc Lương, huyện Đại Từ

Năm 2015, hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu (Đồng Hỷ) được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ nhân Ưu tú Diệp Minh Tài, 78 tuổi, tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), là một trong những người có công khôi phục, gìn giữ, lưu truyền rộng rãi nét đẹp câu hát Soọng cô trong đồng bào người dân tộc Sán Dìu huyện Đồng Hỷ.

Ông đã dành thời gian liên tục trong 15 năm để tìm kiếm được hơn 1.000 bài hát Soọng cô và hàng chục cuốn sách về phong tục, tập quán, như: Cúng đình làng, cúng tổ tiên, cúng mụ trẻ em, cúng cấp sắc của người dân tộc Sán Dìu viết bằng chữ Hán cổ, rồi kiên trì dịch sang tiếng dân tộc Sán Dìu và tiếng phổ thông.

Tinh thần hăng hái của ông Tài đã cuốn hút nhiều người cùng tham gia. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho đồng bào, năm 2011, chính quyền địa phương đã quyết định thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô Tam Thái. Đây cũng là câu lạc bộ hát Soọng cô đầu tiên của đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Từ đây, hát Soọng cô lan tỏa, nhanh chóng trở thành một phong trào. Nhiều câu lạc bộ hát Soọng được thành lập, đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Còn tại xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, cứ vào thứ 7 hàng tuần, hơn 10 thành viên của CLB hát then, đàn tính liên thế hệ lại cùng nhau tập luyện, hát những làn điệu hát then, đánh đàn tính. Người có kinh nghiệm hướng dẫn cho những người chưa biết. Những người già truyền dạy cho thế hệ con, cháu. Tuy điều kiện sinh hoạt của Câu lạc bộ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với niềm đam mê yêu ca hát, mong muốn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi người lại cố gắng khắc phục để tập luyện.

Ông Đào Trọng Thỉu, Chủ nhiệm CLB hát then, đàn tính liên thế hệ xã Phúc Lương vui vẻ nói: "Từ khoảng tháng 4 năm 2023, sau khi CLB hát then, đàn tính liên thế hệ của xã Phúc Lương ra đời, tất cả thành viên trong CLB đều cùng nhau tập hát, tập đàn, mua thêm quần áo dân tộc Tày và giao tiếp, trao đổi bằng tiếng dân tộc thì mọi người cảm thấy rất vui và thích thú".

Bà Đinh Thị Công, CLB Hát then, Đàn tính liên thế hệ xã Phúc Lương, Đại Từ, Thái Nguyên cho biết lợi ích của việc tham gia vào CLB: "Bắt đầu tham gia câu lạc bộ thì chúng tôi chưa biết nhưng bây giờ chúng tôi cũng đã học hỏi các chị em hát được các làn điệu của dân tộc mình, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc".

Bà con dân tộc Sán Dìu, xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, hát Soọng cô.
Bà con dân tộc Sán Dìu, xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, hát Soọng cô.

Hiện cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 550 di sản văn hóa phi vật thể đang được lưu giữ và phát huy. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động quản lý, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh”. Việc triển khai này sẽ tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa.

Theo đó, mục tiêu của Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 là 100% hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa; 10-12 di sản văn hóa phi vật thể được xây dựng hồ sơ đệ trình có thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 10 -15 di sản văn hóa phi vật thể được đầu tư sưu tầm, phục dựng, tư liệu hóa; Các dữ liệu sẽ được tích hợp trong các dự án số hóa di sản ở tỉnh. Ngoài ra, Thái Nguyên sẽ hỗ trợ xây dựng và hoạt động cho 10-15 mô hình câu lạc bộ/hợp tác xã thực hành, truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể gắn với phát triển đời sống cộng đồng; Xây dựng 01 bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu phục vụ chương trình giáo dục lịch sử địa phương thông qua di sản văn hóa; Xây dựng 01 bộ tài liệu giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu phục vụ truyền dạy di sản văn hóa trong cộng đồng.

Có thể thấy, bảo tồn văn hóa theo hình thức câu lạc bộ, hội, nhóm là một trong những hình thức phổ biến hiện nay đối với nhiều vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Thông qua đó, quy tụ được những nghệ nhân, hạt nhân văn hóa tại cơ sở; khơi dậy được sự tham gia của chính cộng đồng dân tộc ở địa phương. Bởi họ mới chính là chủ thể văn hóa, giữ vai trò chính trong việc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó tập trung hỗ trợ khôi phục những làn điệu dân ca, dân vũ và các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số. Sự tham gia trực tiếp của đồng bào dân tộc thiểu số vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng, là nhân tố quyết định bởi chính đồng bào mới là chủ nhân của những di sản văn hóa đó".

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.