Gia đình Triệu Văn Chu, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương là hộ nghèo. Nhiều năm qua, gia đình ông Chu vẫn phải sử dụng nguồn nước dẫn từ khe suối, chứa trong bể. Tuy nhiên do bể nước được xây lâu ngày, khó vệ sinh, nên nguồn nước không được đảm bảo. Khi được cán bộ UBND xã Yên Ninh thông báo gia đình ông là một trong những hộ dân của xã được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, nhận téc nước từ dự án thuộc chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS và miền núi, gia đình đã rất vui mừng. Ông Chu chia sẻ: “Được Nhà nước hỗ trợ cấp téc chứa nước, gia đình tôi vô cùng phấn khởi. Từ nay, gia đình tôi đã có téc chứa nước đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh, yên tâm sinh hoạt. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm, hỗ trợ các nguồn lực để những người dân nghèo từng bước cải thiện cuộc sống”.
Tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, năm 2023 Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các xóm tiến hành cấp téc chứa nước cho các hộ nghèo là người DTTS trên địa bàn huyện. Cụ thể, toàn huyện có 377 hộ nghèo là người DTTS, thuộc 12 xã được hỗ trợ téc chứa nước. Tổng số tiền thực hiện hỗ trợ là 1,13 tỷ đồng. Trong đó, Yên Trạch - xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Lương có số hộ được hỗ trợ nhiều nhất, với 77 hộ. Tiếp đến là xã Ôn Lương có 57 hộ, xã Phủ Lý có 55 hộ, xã Động Đạt có 52 hộ được hỗ trợ. 8 xã còn lại có từ 7 đến 33 hộ được hỗ trợ téc nước. Téc chứa nước được cấp cho các hộ là loại Agassi, thể tích 1.000 lít.
Ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc cấp téc chứa nước nhằm giúp các hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện Phú Lương sử dụng chứa nguồn nước sạch; giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt và đời sống, góp phần đảm bảo sức khỏe cho đồng bào, nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn, miền núi.
Thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân kém là nguyên nhân dẫn đến nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: Tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa,.... Tuy nhiên, hiện nay Thái Nguyên cơ bản không còn tình trạng thiếu nước sạch. Người dân cũng rất tích cực vệ sinh môi trường, nhất là tại khu vực sinh sống. Đáng nói, ở các bản vùng cao, miền núi có đông đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… sinh sống như Lân Đăm, Quang Sơn (Đồng Hỷ); Tân Lập, Phú Xuyên (Đại Từ)… nhờ được đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt nên nguồn nước sạch hợp vệ sinh đã được đưa về tận hộ dân.
Thực tế này cho thấy, ý thức của người dân về thực hiện vệ sinh môi trường sống, vệ sinh cá nhân đã được nâng lên đáng kể; số người được tiếp cận với nguồn nước sạch ngày càng tăng lên khi có nhiều công trình cấp nước được đầu xây dựng.
Cụ thể, UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện các nội dung theo quy định và đạt được một số kết quả như sau: Năm 2022, Thái Nguyên giải ngân vốn vay làm nhà ở cho 214 hộ, tổng kinh phí 8.540 triệu đồng. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 513 hộ dân với kinh phí: 406,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung với 12 công trình, kinh phí 12.283 triệu đồng. Năm 2023, theo kế hoạch được giao, toàn tỉnh hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 355 hộ, đã thực hiện hỗ trợ 46 hộ. Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung 17 công trình, hiện nay đã khởi công và triển khai thi công 8 công trình.
Có thể nói, đây là một trong những chính sách đã được triển khai thực hiện tốt tại Thái Nguyên đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, phù hợp với thực tiễn, được người dân đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng, giúp cho người dân chủ động hơn về nguồn nước sạch trong sinh hoạt. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.