Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Tình trạng thiếu nước sạch trong vùng đồng bào DTTS ở Quảng Trị bao giờ được khắc phục?

Khánh Ngân - 21:10, 23/04/2023

Bao năm qua, nước sạch sinh hoạt luôn là vấn đề nan giải đối với đồng bào DTTS ở Hướng Hóa, Đa Krông (Quảng Trị). Đặc biệt, vào mùa khô, nhiều xã có tới hơn 50% số hộ DTTS rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Quảng Trị: Đồng bào DTTS đã thiếu nước sinh hoạt trong nhiều năm
Hệ thống nước tự chảy ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa đã xuống cấp, không được duy tu sửa chữa làm hao hụt nguồn cấp nước đến các hộ đồng bào

Hơn 50% công trình cấp nước bị hư hỏng hoặc không hoạt động

Tại đồi Pèn có một bể nước sinh hoạt đã được xây dựng từ hàng chục năm trước. Theo công năng, nước từ bể này theo đường ống tự chảy về các thôn ở xã Lìa, để cấp nước sinh hoạt cho đồng bào. Thế nhưng đã từ lâu, nước từ con suối Ka Đặp đã không chảy được vào bể nữa. Nguyên nhân được cho là, về mùa mưa, bùn đất bồi lắng làm tắc đường dẫn nước vào bể.

Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, nên mùa khô con suối Ka Đặp cũng không còn nhiều nước như trước. Cũng vì thế, mà đồng bào ở xã Lìa lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trong nhiều năm qua. Mùa khô đến, đồng bào phải dùng đủ cách để có nước sinh hoạt. Có hộ đào giếng khơi cạnh suối để lấy nước sinh hoạt. Hộ có điều kiện thì mua nước lọc về dùng, hộ khó khăn thì vẫn phải chịu khổ sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh.

Trên địa bàn xã Lìa hiện có 2 công trình cấp nước tự chảy; trong đó một công trình được lắp đường ống dẫn dài trên 10 km để lấy nước từ thượng nguồn về. Tuy nhiên, công trình cũng đã xuống cấp, nguồn nước không ổn định. Công trình còn lại thì quy mô nhỏ nên không thể cung cấp đủ nước cho người dân sử dụng. Vào mùa khô, các khe suối phía thượng nguồn khô cạn, nguồn nước về công trình tự chảy nhỏ giọt

Tương tự, khu vực đường ống thượng nguồn công trình nước tự chảy của xã Thanh, huyện Hướng Hóa được lắp đặt từ năm 2005. Hệ thống nước tự chảy này cung cấp cho 33 bể nước, đến hầu khắp các thôn trong xã, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của toàn bộ Nhân dân trong xã. Tuy nhiên, hiện nay đường ống dẫn nước của xã Thanh đã bị cắt đứt, đường nước bị nối đến một ống khác. Hậu quả là 31 bể nước trong xã Thanh nhiều năm nay khô cạn, Nhân dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. 

Tình trạng thiếu nước sạch tại xã A Dơi cũng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trước đây, người dân xã A Dơi chủ yếu sử dụng nước sinh hoạt từ các công trình nước tự chảy. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng các công trình nước tự chảy nơi đây bị xuống cấp, hư hỏng. Đặc biệt, sau các đợt lũ lụt  đã làm cho hệ thống đường ống các công trình nước tự chảy bị vỡ, cát, đất, đá vùi lấp. Vốn đã “khát” nước sinh hoạt nay người dân nơi đây càng khó khăn hơn.

Quảng Trị: Đồng bào DTTS đã thiếu nước sinh hoạt trong nhiều năm 1
Bể nước nhà bà Hồ Thị Mai ở thôn Kỳ Tăng, xã Lìa (Hướng Hóa) luôn trong tình trạng khô đáy

Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: “Xã A Dơi đang thiếu nước sạch nghiêm trọng. Phần lớn các công trình nước tự chảy bị hư hỏng, nước sông thì đang ô nhiễm do lũ lụt. Giếng khoan không dùng được do nhiễm vôi, phèn. Vì vậy, mong muốn cấp trên sớm có chương trình, dự án cung cấp nước sạch cho xã”.

Theo thống kê, huyện Hướng Hóa hiện có 52 công trình nước sạch, nước tự chảy được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, đến nay, có đến hơn 50% công trình bị hư hỏng, hoặc không hoạt động, số còn lại hoạt động không hiệu quả, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng cho Nhân dân trong thời gian qua.

Đồng bào thiếu nước sạch nghiêm trọng

Trao đổi về cảnh thiếu nước, bà Hồ Thị Mai - thôn Kỳ Tăng, xã Lìa đứng trước bể nước sinh hoạt được xây ngay trong vườn nhà mình cho biết: Xây cái bể to để chứa nước, nhưng rồi bể không còn một giọt nước. Gia đình bà phải sắm rất nhiều can nhựa để khi mùa Hè đến đi xin nước từ các làng bên về dùng, hoặc ra suối xách nước. Đây là tình cảnh chung của hàng chục hộ dân thôn Kỳ Tăng.

“Nhà phải đào giếng cạnh suối Ka Đặp, nhưng nước cũng bẩn lắm! Trong thôn có vài hộ khoan giếng, nhưng nước bị nhiễm vôi, không uống được”, bà Hồ Mai nói thêm.

Sát nhà bà Hồ Thị Mai, là gia đình bà Mây. Chỉ tay vào đống can nhựa dùng xin nước để la liệt, bà Mây bảo, vào mùa khô, hàng ngày gia đình bà phải dùng nó để thay phiên nhau đi xin nước từ các làng bên về dùng. "Tình cảnh thiếu nước ở đây đã kéo dài nhiều năm rồi, chỉ mong sao chính quyền có giải pháp tháo gỡ nỗi vất vả này của bà con", bà Mai đề xuất.

Theo thống kê, thôn Kỳ Tăng có 116 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, đều là người Bru  Vân Kiều. Mùa khô năm nay, các khe suối phía thượng nguồn đã bắt đầu khô cạn, nguồn nước về công trình tự chảy nhỏ giọt nên người dân thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

 Vì thiếu nước, người dân thôn Kỳ Tăng nói riêng, toàn xã Lìa nói chung phải ra sông suối tắm giặt, có hộ đào giếng khơi cạnh suối để lấy nước sinh hoạt. Hộ có điều kiện thì thuê người về khoan giếng. Tuy nhiên, những nguồn nước này đều không bảo đảm vệ sinh.

Quảng Trị: Đồng bào DTTS đã thiếu nước sinh hoạt trong nhiều năm 2
Không có nước nên hầu hết các bể chứa nước của người dân bỏ không, cây cỏ mọc um tùm

Ở huyện vùng cao Hướng Hóa, còn khá hơn, bởi tình trạng thiếu nước sinh hoạt chủ yếu là ở các xã vùng đồng bào DTTS vùng sâu vùng xa. Còn với  huyện Đa Krông, ngay tại thị trấn Krông KLang, tình trạng đồng bào thiếu nước sinh hoạt cũng đã diễn ra nhiều năm nay. Theo ghi nhận, tại khóm A Rồng, các hộ dân sống dọc các tuyến đường: Nguyễn Hoàng, Lê Thế Hiếu, Nguyễn Trãi hiện đang gặp khó khăn về nguồn nước. Tại khóm Khe Xong, đồng bào sống tập trung dọc tuyến đường Nguyễn Hoàng, Điện Biên Phủ và đường vào Làng Mó cũng đang thiếu nước sinh hoạt.

Tình trạng người dân ở Hướng Hóa và Đa Krông thiếu nước sinh hoạt không phải là mới, mà đã diễn ra đã nhiều năm nay. Do vậy, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần ưu tiên xem xét có giải pháp phù hợp, giải quyết để chấm dứt “cơn khát” ở những vùng thiếu nước sinh hoạt.

Trước mắt là rà soát, duy tu công trình nước tự chảy, đồng thời khơi thông những con suối đầu nguồn để bảo đảm nước sinh hoạt cho đồng bào. Bên cạnh đó, ưu tiên lồng ghép nguồn kinh phí tập trung để đầu tư những dự án nước tập trung lớn; tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, cũng là để bảo vệ nước đầu nguồn trong sạch...

Tin cùng chuyên mục
Tăng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Tăng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Đến năm 2025, tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 95%, tỷ lệ lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội đạt 26% - 27%. Đó là mục tiêu không dễ dàng, nhất là ở tỉnh Nghệ An còn nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn; đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể và cả hệ thống chính trị.