Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ
Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm tháng 4/2019, toàn tỉnh Thái Nguyên có 130.917 hộ, với 384.348 nhân khẩu là người DTTS; trong đó nữ DTTS có 198.994 người. Thời gian qua, để thúc đẩy bình đẳng giới ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, các cấp ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ phụ nữ DTTS, trông đó có hỗ trợ phụ nữ vay vốn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Báo cáo số 220/BC-UBND về Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của UBND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, 100% hộ nghèo do phụ nữ người DTTS làm chủ hộ có nhu cầu hỗ trợ đã được các cấp Hội Phụ nữ giúp đỡ phát triển kinh tế thông qua các hoạt động vay vốn tín chấp được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy quyền; hỗ trợ cây con giống, ngày công lao động… Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trên địa bàn tỉnh duy trì, phát triển hoạt động tiết kiệm, vay vốn giúp phụ nữ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức 12 lớp tuyên truyền về kiến thức giới, pháp luật bình đẳng giới cho trên 1.000 lượt cán bộ và người dân. Các ngành, đoàn thể của các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 255 lớp tập huấn, tuyên truyền về bình đẳng giới cho hơn 25.000 lượt người…
Để thúc đẩy kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đã lồng ghép với các chương trình, dự án khác để hỗ trợ phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh. Có thể kể đến là Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình kinh doanh” tại 18 xóm của 2 xã Yên Ninh và Yên Đổ (huyện Phú Lương); được triển khai từ tháng 7/2019 - 6/2022.
Dự án có tổng kinh phí thực hiện 7,1 tỷ đồng; trong đó Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (tổ chức phi chính phủ của Đức) tài trợ 6,2 tỷ đồng, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên và người dân trong vùng thực hiện Dự án đối ứng 850 triệu đồng. Qua 3 năm triển khai, Dự án đã đạt được 3 mục tiêu chính, là: Tăng thu nhập của phụ nữ DTTS nghèo; cải thiện môi trường sống của các hộ gia đình vùng dự án; nâng cao vị thế của phụ nữ.
Một hoạt động cũng góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị thế phụ nữ được Thái Nguyên triển khai là xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ DTTS với pháp luật”. Mô hình này được triển khai đầu tiên ở xã Văn Lang (huyện Đồng Hỷ), với sứ mệnh nâng cao nhận thức, hiểu biết cho hội viên, phụ nữ về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và trợ giúp pháp lý, hỗ trợ về mặt pháp luật cho chị em; qua đó góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ nông thôn, miền núi.
Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ DTTS
Các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới của tỉnh Thái Nguyên đã góp phần nâng cao vị thế phụ nữ DTTS. Nhiều hộ nghèo DTTS do phụ nữ làm chủ hộ đã có thêm điều kiện để vươn lên thoát nghèo, tự tin khẳng định mình. Với việc triển khai các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phụ nữ DTTS, cư trú ở vùng sâu, vùng xa đã từng bước tiếp cận với cách thức sản xuất mới, gia tăng giá trị cây trồng, vật nuôi.
Chị Hoàng Thị Hòa, xóm Đồng Phủ 1, xã Yên Ninh là một trong những người được hưởng lợi từ Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình kinh doanh”. Tham gia Dự án, chị được hỗ trợ 2 triệu đồng mua giống, đồng thời được tập huấn kỹ thuật phòng bệnh, nhất là nguồn thức ăn cho đàn gà. Trước đây, chị cũng nuôi gà nhưng chủ yếu cho ăn bằng cám công nghiệp. Tham gia Dự án, chị đã biết tận dụng ngô, thóc, bã đậu, rau xanh nghiền thành viên để cho gà ăn.
“Cách làm này tiết kiệm kinh phí, gà ăn nhiều, chất lượng thịt ngon nên bán giá dễ, giá cũng cao hơn khoảng 40.000 đồng/kg so với trước đó. Trung bình mỗi năm, tôi nuôi được gần 1.000 con gà thịt, thu lãi gần 150 triệu đồng”, chị Hòa chia sẻ.
Để thúc đẩy bình đẳng giới từ sớm, từ xa, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai mô hình hỗ trợ nữ sinh DTTS từ Dự án “Nền tảng học tương tác trực tuyến Câu lạc bộ nữ sinh” do Tổ chức The Vina Capital Foundation tài trợ. Dự án được triển khai từ tháng 2/2022 - 12/2023, tại 6 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của Dự án là khuyến khích nữ sinh DTTS đến trường học; đồng thời nâng cao kỹ năng sống, kiến thức về sức khỏe sinh sản, giới tính, quản lý tài chính, kỹ năng lãnh đạo hoạt động cộng đồng…
Em Đào Lệ Hân, lớp 10A3 - Trường THPT Võ Nhai, dân tộc Mông, nhà ở Chòi Hồng, xã Tràng Xá, chia sẻ: “Những kiến thức, kỹ năng được tiếp cận hôm nay giúp em cũng như các bạn nữ trong Câu lạc bộ hiểu rõ được những tác động tiêu cực của việc mang thai ở độ tuổi này và tự bảo vệ mình. Ở buổi sinh hoạt trước về chủ đề quản lý tài chính, từ số tiền 200.000 đồng bố mẹ cho trong 1 tuần, em biết cách cân đối chi tiêu khi ở ký túc xá”.
Giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới nằm trong Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thái Nguyên là 1 trong 8 tỉnh đại diện các vùng miền được Trung ương Hội LHPN Việt Nam lựa chọn chỉ đạo điểm để triển khai Dự án 8.
Triển khai Dự án 8, mới đây (ngày 21 - 22/10/2022), Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội chợ “Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi” và Hội thảo “Kết nối mạng lưới hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ yếu thế, phụ nữ có nguy cơ cao bị mua bán trở về”. Các hoạt động triển khai Dự án 8 góp phần giúp phụ nữ vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Thái Nguyên tiếp cận gần hơn với các chương trình mục tiêu quốc gia, có thêm thông tin về tình hình mua bán người, di cư mất an toàn và đặc biệt là kết nối mạng lưới để phát triển, tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ.
Trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ban hành theo Quyết định số 92/QĐ-UBND ngày 15/6/2022 của UBND tỉnh Thái Nguyên, một trong những nhiệm vụ được tỉnh đặt ra là tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền về bình đẳng giới, tác hại của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; có cơ chế để phụ nữ DTTS tiếp cận tốt hơn dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu và các dịch vụ tư vấn về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ phụ nữ, trẻ em.