Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thái Nguyên: Tăng cường phổ biến thông tin thị trường lao động

Thu Hương - 11:17, 21/12/2023

Để hỗ trợ người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có thể tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phổ biến thông tin thị trường lao động, kết nối Cung – Cầu lao động.

Người lao động tư vấn tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Người lao động tư vấn tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh

Thống kê, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 9.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; có 11 khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt quy hoạch, trong đó có 5 KCN đang hoạt động, bao gồm KCN Điềm Thuỵ (Khu A và Khu B); KCN Yên Bình, KCN Sông Công I, KCN Sông Công II, KCN Nam Phổ Yên (Khu A, Khu B, Khu C) với 181 doanh nghiệp đang hoạt động. Tính đến hết tháng 6/2023, tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp là 84.098 lao động, trong đó số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI chiếm 89,8% tổng số lao động làm việc trong các KCN. Tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh năm 2022 là 611.894 người, trong đó số lao động có việc làm là 602.562 người.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, để tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thường xuyên tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, ưu tiên lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổng hợp dữ liệu việc làm trống, thông tin tổ chức sàn/phiên giao dịch việc làm trực tiếp/trực tuyến. Trong giai đoạn 2015-2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin nhu cầu tuyển dụng của 2.500 lượt doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng khoảng 200 vị trí việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp trung bình hằng năm là trên 20.000 lao động; thu thập thông tin người lao động về nhu cầu tìm kiếm việc làm thường xuyên của khoảng 30.000 lượt người lao động.

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện rất lớn với những vị trí việc làm phù hợp
Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện rất lớn với những vị trí việc làm phù hợp

Đặc biệt, Trung tâm đã xây dựng website "vlthainguyen.vieclamvietnam.gov.vn" - là địa chỉ cung cấp các thông tin trong lĩnh vực lao động, việc làm. Thông qua website này, người truy cập được cập nhật các chính sách, tình hình về lao động việc làm trên địa bàn tỉnh, thông tin về các chỉ tiêu, số liệu thống kê về việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, giải đáp thắc mắc các chính sách việc làm, lao động... Đến nay website đã đạt 161.680 lượt truy cập. Tăng cường đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, hình thành phòng chuyên dùng phục vụ hoạt động kết nối Cung – Cầu lao động trực tiếp và thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ nhu cầu giao dịch của doanh nghiệp và người lao động trong cung cấp thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết thủ tục chính sách...

Đồng thời tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm; tổ chức hoạt động Tuần cao điểm kết nối Cung – Cầu lao động tỉnh Thái Nguyên và các hoạt động Ngày hội việc làm, Ngày hội tư vấn, tuyển sinh, giới thiệu việc làm. Tích cực phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ chức đoàn thể các cấp huyện, cấp xã (Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, Chi hội phụ nữ các xã, Hội Nông dân...) tổ chức các Ngày hội, phiên giao dịch lưu động tại địa phương với quy mô cấp huyện, cấp xã, chuyên đề; tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các địa phương, tỉnh/thành phố. Sàn Giao dịch việc làm Thái Nguyên cơ bản đã thực hiện tốt vai trò kết nối Cung – Cầu lao động. Các Phiên giao dịch việc làm đã được đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả, cải tiến về quy mô và cách thức tổ chức, bám sát xu hướng của thị trường lao động, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thu hút sự quan tâm của người lao động trên địa bàn tỉnh. 

Đặc biệt, trong năm 2022, 2023, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tổ chức thành công “Tuần cao điểm kết nối Cung – Cầu lao động” thu hút trên 300 lượt doanh nghiệp, cơ sở GDNN tham gia với trên 60.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh; đã có 9.800 lượt người lao động được tư vấn chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn định hướng nghề nghiệp; 2.181 người đạt phỏng vấn sơ loại và kết nối việc làm thành công.

Các đại biểu tham gia Tuần cao điểm cung - cầu lao động trao đổi với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng
Các đại biểu tham gia Tuần cao điểm cung - cầu lao động trao đổi với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng

Trong năm 2023, từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phân bổ cho Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững, ngày 4/12 vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Ngày hội việc làm, tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, kết nối cung cầu lao động năm 2023. Ngày hội có sự tham gia của 76 đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 16 đơn vị tham gia trực tiếp, 60 đơn vị tham gia trực tuyến tại điểm cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn. Tại Ngày hội có hơn 800 lượt người lao động được cung cấp thông tin về thị trường lao động, tư vấn - giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp trước khi tham gia thị trường lao động. Trong đó, hơn 220 người lao động, sinh viên có nhu cầu tìm việc làm, định hướng nghề nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề và tham gia phỏng vấn trực tiếp với nhà tuyển dụng.

Bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên cho biết: Xác định công tác phổ biến thông tin thị trường lao động có ý nghĩa qua trọng trong việc kết nối Cung – Cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm, Trung tâm luôn chủ động nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động, tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và trao đổi thông tin cần thiết về nhu cầu việc làm, doanh nghiệp được thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động tại Trung tâm và các hoạt động giao dịch các cấp tại địa phương. Đồng thời hỗ trợ đưa tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp hàng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội, như: Fanpage, Zalo official, Thái Nguyên ID… nhằm cung cấp thông tin đến người lao động kịp thời. Hằng năm, Trung tâm đã tiếp nhận thông tin tuyển dụng của trên 200 lượt doanh nghiệp; giới thiệu việc làm và kết nối người lao động với trên 70 lượt đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp/năm. 

"Riêng trong năm 2022, Trung tâm đã đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường động bao gồm thu thập tại các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn tập trung vào ngành cơ khí, xây dựng, dịch vụ và một số ngành nghề khác có nhu cầu tuyển dụng lớn để cung cấp thông tin thị trường lao động. Theo đó năm 2022, trên địa bàn tỉnh có khoảng 800 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng với 29.157 lao động. Trong năm 2023, hoạt động phối hợp, tổng hợp thông tin tuyển dụng cũng đang được xúc tiến để tạo nhiều hơn điều kiện cho người lao động tiếp cận và tìm kiếm việc làm" bà Thuỳ nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tổ chức các ngày hội, phiên giao dịch việc làm lưu động, hội nghị phổ biến thông tin thị trường lao động; duy trì giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh phía Bắc; thường xuyên đăng tin “việc tìm người” trên các trang website và facebook, zalo của trung tâm nhằm đưa thông tin đến với người lao động. Bám sát các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động để có những định hướng chính xác cho công tác đào tạo nghề; quan tâm tư vấn, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho người lao động; thường xuyên thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo thị trường lao động để cung ứng nhân lực kịp thời cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền việc làm ngoài nước, chính sách hỗ trợ cho người lao động tham gia, lựa chọn và ứng tuyển.