Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tháng Tám trên quê hương cách mạng

PV - 07:59, 28/08/2019

Trong ký ức của người dân Tân Trào, Bác Hồ rất vĩ đại nhưng lại vô cùng giản dị, gần gũi với Nhân dân. Nhân dân Tân Trào ngày đó tuy còn đói khổ nhưng một lòng cùng nhau che chở, nuôi giấu cán bộ. 74 năm sau Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Tân Trào vẫn xứng danh Thủ đô kháng chiến; cái khác là diện mạo nông thôn mới trù phú hơn, to đẹp hơn.

Ký ức một thời

Về thăm Tân Trào hôm nay, những câu chuyện chân thực về Bác Hồ trong những ngày Người sống và làm việc ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) vẫn luôn được người dân Tân Trào lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến, căn cứ địa cách mạng của cả nước. Từ tháng 5 đến tháng 8/1945, tại Tân Trào, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng đã sống những ngày gian khổ để lãnh đạo Nhân dân ta chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.

Cổng vào Làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào ngày nay. Cổng vào Làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào ngày nay.

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của cụ Nguyễn Tiến Sự, thôn Tân Lập, nơi Bác Hồ đã ở những ngày đầu khi Người mới về Tân Trào. Bà Hoàng Thị Mai (con dâu của cụ Sự) hiện đang sinh sống cùng con trai, con dâu trong ngôi nhà, chia sẻ, những người dân trong thôn năm ấy phần lớn không biết Bác chính là Bác Hồ, mà chỉ biết gọi Bác là ông Ké. Bác vô cùng giản dị và gần gũi với mọi người. Sau ít ngày ở nhà cụ Sự, Bác Hồ đã chuyển lên ở trên lán Nà Nưa. Bà Mai được cụ Sự kể cho nghe những câu chuyện về chiến tranh, về tình cảm của người dân Tân Trào với Bác.

Ngay cạnh ngôi nhà cụ Nguyễn Tiến Sự là ngôi nhà sàn mới được sửa khang trang của gia đình cụ Hoàng Ngọc, 83 tuổi. Thân sinh cụ Hoàng Ngọc là cụ Hoàng Trung Nguyên, chiến sĩ giao liên đặc biệt cho Bác và Trung ương Đảng. Với truyền thống gia đình 4 thế hệ theo cách mạng, cụ Hoàng Ngọc kể lại rằng, ngày Bác Hồ về Tân Trào, cụ mới 10 tuổi. Ngày đó, cụ Hoàng Ngọc tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc, làm nhiệm vụ mật báo cho bộ đội nếu thấy người lạ.

“Lần đầu tiên gặp Bác, Bác hỏi chúng tôi: các cháu đi học chưa? Tôi trả lời: chúng cháu muốn đi học, nhưng không có ai dạy học ạ. Bác nói, sau này có trường lớp học, các cháu phải đi học đầy đủ đấy nhé”, cụ Hoàng Ngọc xúc động kể.

Thế rồi, nhiều lần sau đó, cụ Ngọc được gặp Bác Hồ. Cụ Ngọc vẫn nhớ như in từng cử chỉ ân cần, lời căn dặn, chỉ bảo của Bác về lẽ sống, về lòng yêu nước.

Quê hương đổi mới

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, học và làm theo lời Bác dạy, người dân Tân Trào hôm nay đang chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới. Đường làng ngõ xóm, hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy; một màu xanh no ấm đã hiện diện trên khắp thôn cùng ngõ xóm.

Cụ Hoàng Ngọc (áo trắng) chia sẻ về những kỷ niệm với Bác Hồ, với cách mạng. Cụ Hoàng Ngọc (áo trắng) chia sẻ về những kỷ niệm với Bác Hồ, với cách mạng.

Theo cụ Hoàng Ngọc, nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Tân Trào hôm nay được sống trong độc lập, tự do, cuộc sống ấm no, giàu mạnh hơn xưa rất nhiều. Chỉ tay về phía ngôi nhà mới, cụ Hoàng Ngọc khoe, đó là ngôi nhà tôi vừa sơn sửa lại. Ti vi, tủ lạnh, máy giặt... và các trang thiết bị hiện đại phục vụ cuộc sống đều đầy đủ. Các cháu nhỏ được học hành. Người dân đau ốm được chữa bệnh. Chứng kiến những đổi thay qua năm tháng, cụ Hoàng Ngọc càng trân trọng, biết ơn cách mạng đã mang đến cho người dân cuộc sống mới hôm nay.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh xã, ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào tự hào khoe: Tân Trào hiện có trên 1.200 hộ, hơn 5 nghìn nhân khẩu, phần lớn là đồng bào DTTS. Năm 2012, Tân Trào vinh dự được tỉnh Tuyên Quang chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, đến tháng 12/2014 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới; là xã hoàn thành nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang về đích trước 1 năm so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2019 đạt 35 triệu đồng/người/năm; 71% trục đường trong xã được nhựa hóa và bê tông hóa; 100% các thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn; toàn xã không còn hộ có nhà dột nát; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,91%; các trường học trong xã đều đạt chuẩn quốc gia...

Chia tay Tân Trào trong không khí cả nước hướng tới ngày Quốc khánh 2/9, cùng nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn vẹn nguyên trong tôi ấn tượng tốt đẹp về một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, nỗ lực đi lên trên con đường đổi mới. “Các cháu phải học tập và làm theo Bác để xây dựng và phát triển đất nước…”. Lời căn dặn của những “nhân chứng sống” như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trên con đường tương lai phía trước. Về Tân Trào để gần Bác hơn, để thấy niềm tin vẫn luôn cháy mãi…

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.