Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thăng trầm nghề đan mê bồ

Tào Đạt - 07:23, 08/01/2025

Không biết nghề đan mê bồ tại ấp 4, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang có từ bao giờ. Chỉ biết là đã rất nhiều đời từ ông truyền cho cha, cha truyền cho con rồi đến cả cháu và kéo dài mãi đến nay. Trên hành trình đi tìm vẻ đẹp xưa của miền Tây sông nước, chúng tôi có dịp được đến đây để viết lại câu chuyện của một làng nghề trăm năm vang bóng.

Bà Quách Thị Hiệp là một trong những người hiếm hoi còn giữ nghề đan mê bồ ở ấp 4, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Bà Quách Thị Hiệp là một trong những người hiếm hoi còn giữ nghề đan mê bồ ở ấp 4, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Kỳ công tạo ra một sản phẩm quen thuộc

Mê bồ là tên gọi của sản phẩm thủ công được làm từ cây tre, cây trúc hoặc cây nứa được người thợ chẻ ra thanh dài và đan kết lại thành tấm lớn với kích thước được định sẵn. Thuở trước, mê là vật dụng dễ dàng bắt gặp nếu ghé thăm bất kỳ ngôi nhà nào ở miền Tây, đặc biệt là Hậu Giang. Từ mê bồ để chứa lúa của nhà nông xưa đến làm vách nhà.

Hồi trước, người dân cả ấp 4 làm nghề, sản phẩm làm ra tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, qua thời gian, nghề này không còn thịnh như trước, nhiều người đã phải bỏ nghề rời quê đi làm ăn xa. Cả xóm hiện cũng chỉ còn một vài hộ bám trụ, nỗ lực giữ gìn và chỉ dạy cho con cháu. Mỗi ngày vẫn có những đôi tay cần mẫn làm nên sức sống của nghề đan truyền thống.

Tìm về ấp 4, chúng tôi được bà con giới thiệu ghé thăm những hộ đan mê bồ truyền thống của địa phương. Trò chuyện với chúng tôi, bà Quách Thị Hiệp (60 tuổi) cho hay, từ lúc bà về làm dâu đã thấy gia đình và bà con trong xóm theo nghề. Và cứ như vậy, bà Hiệp gắn liền với tiếng chẻ trúc, tiếng đan mê bồ và không khí rộn ràng của làng nghề thời hoàng kim.

Bà Hiệp nhớ lại: "Từ khi lấy chồng về ấp, thấy cha mẹ làm, mình cũng học vót nan cong, từ từ quen quen rồi mình làm luôn. Có đủ cỡ hết trơn hà. 1m1x6m8, còn 1m1x5m là ruột, còn 8 tấc là 6m8, 5 tấc cũng có nữa. Nếu người ta dựng vách thì người ta đặt cỡ nào mình làm cỡ đó".

Ông Đỗ Hoàng Phong miệt mài giữ nghề.
Ông Đỗ Hoàng Phong miệt mài giữ nghề.

Theo nghề từ thời trẻ, nên chỉ cần nhìn sơ qua cây trúc là bà Hiệp cũng có thể tính chẻ được bao nhiêu thanh trúc. Trước đây, các công đoạn đều làm thủ công. Còn bây giờ, nhiều hộ có điều kiện đã mua máy để hỗ trợ việc chẻ trúc, từ đó, năng suất cũng tăng hơn.

Để hoàn thành một sản phẩm mê bồ hoàn chỉnh, phải trải qua nhiều công đoạn, được phân việc rõ ràng, mỗi việc đều có cái khó riêng. Thông thường, cánh đàn ông có sức khỏe thì đảm nhận chẻ trúc, vót nan. Đàn bà thì đan mê bởi bàn tay khéo léo.

Bà Lê Thị Tám, người dân làng nghề chia sẻ: "Mình biết thì chẻ dễ, còn không biết thì khó. Cái này cực lắm! Hồi mới làm chưa biết đứt tay dữ lắm. Nhưng phải ráng làm, vì chỉ có cái nghề đó đâu còn cái nghề nào đâu".

Thăng trầm nghề đan

Theo những người vẫn bám trụ với nghề đến nay, hiện mê bồ chỉ chủ yếu phục vụ công trình tấn mé, dùng để phơi khô, phơi mứt mùa Tết… Do là nghề thủ công, không bị bó buộc thời gian, nên cứ lo xong việc nhà là có thể bắt tay vào việc.

Mấy năm nay, có lúc giá cả thấp, nguồn nguyên liệu khan hiếm, có khi tìm ở tận xa mới có nguồn nguyên liệu. Lắm lúc, tính ra lỗ nên số người bám trụ với nghề chẳng còn bao nhiêu. Trẻ con bây giờ cũng ít mặn mà với công việc truyền thống này.

BÁO IN CUỐI THÁNG - Thăng trầm nghề đan mê bồ 2

Những nan tre và những tấm mê bồ kích cỡ khác nhau được hoàn thiện bởi những người thợ yêu nghề
Những nan tre và những tấm mê bồ kích cỡ khác nhau được hoàn thiện bởi những người thợ yêu nghề

Ông Đỗ Hoàng Phong (50 tuổi) bày tỏ: "Chắc cái nghề này mai một nghỉ luôn. Hồi nhỏ tụi tôi chẻ nan cong ra, mướn tụi nó róc 500 - 1.000 đồng/bó. Bây giờ nó học không hà, không có phụ mình róc như hồi đó. Chừng nữa mình già mình nghĩ chắc hết ai mua”.

Theo dòng chảy thời gian, ngày nay, hầu hết nông dân sau khi thu hoạch, đều có kho chứa lúa hoặc cho vào bao không còn cảnh be bồ chứa lúa như ngày xưa nên nhu cầu sản phẩm này không còn nhiều như trước. Thế nhưng, dù là nghề phụ, nhưng không vì thế mà bà con phụ nghề. Sức sống của mê bồ vẫn còn đó. Giờ, người ta dùng nó lót sàn xà lan để chuyên chở lúa, phơi khô, phơi hủ tíu, phơi sấy trái cây, bánh tráng,… Theo đơn đặt hàng, các sản phẩm mê bồ được các thương lái đến tận nơi thu gom hàng không phải chuyên chở đi các nơi để bán nữa.

Với sự chọn lọc của thời đại, cũng như những nghề khác, nghề đan mê bồ cần lắm những sự đổi thay để thích nghi với tình hình mới, vừa là cách làm mới, vừa là cách để gìn giữ nghề truyền thống mà các bậc tiền nhân để lại.

Để phát huy các giá trị mang lại từ các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề đan mê bồ ở ấp 4, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện Nghị định số 52 ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn đến các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng quy định chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hy vọng với chính sách này cùng quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của người dân sẽ tạo nên “cú hích” mới cho làng nghề phát triển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tin cùng chuyên mục
Chính sách mới của Mỹ và những tác động thương mại, đầu tư

Chính sách mới của Mỹ và những tác động thương mại, đầu tư

Ngày 8/1 Trung tâm Xúc tiến thương mại TP. Hồ Chí Minh - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam - Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức hội thảo Chính sách mới của Mỹ và những tác động thương mại đầu tư. Hội thảo thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất - xuất khẩu trong nước.