Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tháng Tư về thăm xã Phong Mỹ anh hùng

PV - 11:00, 28/04/2019

Những ngày cuối tháng Tư, hòa trong không khí phấn khởi của cả nước Kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019) chúng tôi có dịp về thăm xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp-xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Sau hơn 44 năm đất nước hòa bình, xã Phong Mỹ đã có sự chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội...; đặc biệt, địa phương vừa được công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Ký ức của lão thành cách mạng

Theo con đường bê tông rộng rãi, sạch sẽ chạy dọc trong xã; ven đường là những hàng rào cây kiểng, cây xanh được cắt gọn gàng, trông rất đẹp. Nhiều ngôi nhà khang trang nằm ẩn hiện trong những vườn dừa, cây ăn trái, chúng tôi tìm đến nhà lão thành cách mạng Trần Văn Hoảnh, ở ấp 4, xã Phong Mỹ.

Mặc dù đã bước sang tuổi 93, nhưng vị lão thành cách mạng có 74 năm tuổi Đảng này vẫn nhớ và kể rất rõ cảm xúc trong giờ phút diễn ra sự kiện lịch sử trong ngày 30/4/1975 mà ông được chứng kiến.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 9 làm đường giao thông nông thôn tại xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 9 làm đường giao thông nông thôn tại xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh.

Ông kể, vào những ngày cuối tháng Tư, khí thế chiến thắng của quân dân ta tưng bừng khắp nơi. Ngày 27/4/1975, nhận được lệnh ngày, giờ chính thức mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, Huyện ủy Cao Lãnh cũng đã triển khai xuống xã Phong Mỹ. Tại địa phương, Đảng bộ xã Phong Mỹ thi hành mệnh lệnh cấp trên thành lập Ban Chỉ huy tiền phương cùng Công an xã, chia làm 3 mũi tấn công đồn bốt địch.

Sáng ngày 30/4/1975, Ban Chỉ huy tiền phương và lực lượng vũ trang xã cùng với Nhân dân tiến ra đồn Ngã Tư; giặc bỏ chạy ra Hội đồng xã, rồi tiếp tục bỏ chạy khỏi trụ sở, lực lượng của ta tiếp quản thu vũ khí và chiến lợi phẩm... Theo đó, đúng 4 giờ chiều cùng ngày, xã Phong Mỹ hoàn toàn giải phóng. Đêm 30/4, Nhân dân khắp nơi gần như không ngủ, tất cả mọi người hồi hộp, lo lắng chờ đợi những sự kiện tiếp theo. Đến nửa đêm 30/4/1975, thì thị xã Cao Lãnh hoàn toàn giải phóng. Mọi nhà đồng loạt bật đèn sáng, mở cửa ra.

“Không biết Nhân dân đã chuẩn bị từ khi nào, chỉ một lúc sau, cờ giải phóng treo rợp đường. Sáng hôm sau, người dân ở nhiều nơi tràn về thị xã Cao Lãnh, vui niềm vui hòa bình. Ngày ấy, ai ai cũng vui mừng, tươi cười rạng rỡ. Lúc đó ông cũng còn có cảm giác như trong mơ, rồi vui mừng đến rơi nước mắt vì miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất”, ông Hoảnh bồi hồi nhớ lại.

Xã Anh hùng xây dựng nông thôn mới

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Phong Mỹ cho biết: phát huy truyền thống Anh hùng, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Công tác đào tạo nghề; giới thiệu việc làm; giúp đỡ hộ nghèo... được chú trọng thực hiện. Đến nay, hộ nghèo của xã giảm từ 5,59% (2017) xuống còn 3,48% (2018); thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm; gần 100% hộ dân sử dụng điện và nước sạch; xã có trường mần non, 2 trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia...

Đặc biệt, diện mạo xã Anh hùng Phong Mỹ có nhiều khởi sắc, nhất là từ khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Theo Chủ tịch xã Nguyễn Thành Long, ngoài sự đồng thuận của Nhân dân, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, xã Phong Mỹ còn nhận được sự tiếp sức của Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 8 (Bộ Tư lệnh Quân khu 9).

Thực hiện Chương trình “Chung tay xây dựng NTM”, Trung đoàn 9 đã hỗ trợ xã Phong Mỹ làm 11,3km đường bê tông giao thông nông thôn, phát quang 8km bụi rậm, tu sửa 7,2km kênh mương nội đồng với gần 5.000 ngày công... Nhờ đó, hạ tầng giao thông được xây dựng kiên cố, đường trục xã, trục ấp và đường ngõ xóm được bê tông hóa và nhựa hóa đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân từ xã đến các ấp. Ngoài ra, Trung đoàn 9 còn phối hợp với xã Phong Mỹ, giúp đỡ 20 hộ nghèo phát triển kinh tế với số tiền 40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nhân dân Phong Mỹ đã tích cực hưởng ứng, tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất, vật kiến trúc, ngày công lao động... xây dựng hạ tầng nông thôn, cầu, đường, các mô hình phát triển kinh tế. Hội quán theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; mô hình “Cộng đồng dân cư tham gia xây dựng NTM” được triển khai nhân rộng khắp trên địa bàn xã.

“Nhờ sự chung tay, góp sức của Nhân dân, sự chung tay của Trung đoàn 9 mà Phong Mỹ đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM và về đích trước quy định 1 năm. Kỷ niệm 30/4 năm nay xã sẽ tổ chức đón nhận danh hiệu xã NTM”, Chủ tịch xã Nguyễn Thành Long phấn khởi thông tin.

HẠNH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.