Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thanh âm hy vọng

Hồng Minh - 10:21, 14/07/2020

Chương trình “Thanh âm hy vọng” do nhóm nhạc khiếm thị Hy vọng phối hợp với Câu lạc bộ Đình Làng Việt tổ chức vào ngày 4/7 vừa qua đã tạo thêm một sân khấu biểu diễn và kết nối nghệ sĩ với khán giả, lan tỏa những thông điệp đầy tính nhân văn.

Chương trình “Thanh âm hy vọng” là một hành trình truyền cảm hứng của nhóm nhạc khiếm thị
Chương trình “Thanh âm hy vọng” là một hành trình truyền cảm hứng của nhóm nhạc khiếm thị

Chương trình “Thanh âm hy vọng” do nhóm nhạc khiếm thị Hy vọng phối hợp với Câu lạc bộ Đình Làng Việt tổ chức vào ngày 4/7 vừa qua đã tạo thêm một sân khấu biểu diễn và kết nối nghệ sĩ với khán giả, lan tỏa những thông điệp đầy tính nhân văn.

Xuất phát từ ý tưởng của nghệ sĩ Tôn Thất Triêm, nhóm nhạc Hy vọng chính thức được thành lập năm 2004. Từ đó đến nay, nhóm nhạc Hy Vọng đã đem đến cho khán giả những tiết mục âm nhạc đặc sắc, bằng niềm đam mê của mình, từ đó góp phần gìn giữ, phát huy nét đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Những ngày đầu thành lập, các thành viên khi đó đều là sinh viên Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Nghệ sĩ Trần Quốc Hoàn, Trưởng nhóm nhạc Hy vọng tâm sự, học nhạc không chỉ cần thiên phú mà còn phải khổ luyện. Với người bình thường, việc học và luyện đã khó, với người khiếm thị còn khó gấp bội.

“Chúng tôi không thể nhìn được nhạc phổ, từng nốt, từng câu, từng đoạn đều phải học bằng cách ghi nhớ. Trước đây, khi Internet và công cụ ghi âm chưa phổ biến, chúng tôi phải học thuộc ngay tại chỗ khi thầy cô dạy. Bây giờ đỡ vất vả hơn, có thể ghi âm về nhà học dần. Nhưng học xong rồi, chúng tôi lại gặp khó khăn trong sử dụng đàn, phải lần mò đánh cho đúng nốt, đúng nhịp”.

Chính vì những khó khăn đó, mà không có nhiều nghệ sĩ khiếm thị chơi được nhạc cụ chuyên nghiệp. Hiện nay, nhóm có 7 thành viên chơi những nhạc cụ dân tộc như: Đàn bầu, sáo trúc, đàn tranh, đàn nguyệt, trống. 

Mỗi nghệ sĩ khiếm thị biểu diễn trong chương trình đều là một tấm gương về nghị lực và khát vọng vươn lên trong học tập và cuộc sống. Trong số các thành viên, nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Văn Linh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt khi anh mắc phải căn bệnh suy thận. Phát hiện bị suy thận mãn giai đoạn cuối đã 8 năm, từ đó đến nay, mỗi tuần 3 lần anh phải đến viện lọc máu chạy thận nhân tạo. Dù vậy, anh vẫn cố gắng theo đuổi đam mê của mình. Hằng tối, anh đến chơi sáo tại quán cà phê Mơ, phố Yên Lãng (Hà Nội). Ước mơ lớn nhất của anh là được chữa khỏi bệnh và có được công việc ổn định.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất của Hy vọng, em Nguyễn An Như, 17 tuổi đang học năm thứ 6 Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, khoa Nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành Đàn tranh. An Như kể, khó khăn lớn nhất của những người khiếm thị khi học nhạc là không thể nhìn thấy nốt nhạc trong khuông nhạc. Người khiếm thị phải nhờ các bạn đọc, chép ra bằng chính ký hiệu của mình và học theo hình thức thu âm, ghi âm.

Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt (đơn vị phối hợp thực hiện chương trình), những nghệ sĩ nhóm Hy vọng được đào tạo bài bản, đều tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhưng không may mắn bị khiếm thị, họ không có điều kiện theo nghề dù đam mê của họ rất lớn. Từ đó, nhóm Đình làng Việt tổ chức chương trình nhằm quảng bá rộng rãi để mọi người biết đến khả năng của họ, động viên họ có thêm niềm tin trong cuộc sống.



Tin cùng chuyên mục