Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Thành Bản Phủ - Nơi ghi dấu công ơn vị tướng lập bản xây mường

Vũ Lợi - 17:47, 10/08/2021

Di tích cấp quốc gia Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên (Điện Biên) được xây dựng cách đây hơn 200 năm, là chứng tích lịch sử ghi dấu công cuộc đánh đuổi giặc Phẻ (năm 1754) giải phóng Mường Then (Mường Thanh) lập nên các bản mường do thủ lĩnh áo vải Hoàng Công Chất lãnh đạo. Ngày nay, di tích là điểm đến đầy thành kính của Nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh.

Màn múa rồng tái hiện không khí hào hùng của nghĩa quân năm xưa và biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Màn múa rồng tái hiện không khí hào hùng của nghĩa quân năm xưa và biểu dương sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Chuyện từ dấu cũ, thành xưa

Đặt chân đến di tích Thành Bản Phủ ngày nay tuy không còn mang dáng vẻ hùng vĩ như xưa, nhưng đã được tôn tạo một đoạn tường thành để du khách có thể liên tưởng về tòa thành cổ uy nghi bề thế; một công trình kiến trúc quân sự trấn thủ vùng biên cương, gợi nhớ về cuộc khởi nghĩa đánh tan giặc Phẻ do vị tướng áo vải Hoàng Công Chất lãnh đạo.

Theo tài liệu nghiên cứu của Cục Di sản - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Dưới thời vua Lê Dụ Tông, năm 1748 vùng Tây Bắc bị giặc Phẻ (nhóm người Tày - Thái ở Thượng Lào và Vân Nam, Trung Quốc) tràn sang xâm lược cướp bóc, giết hại dân lành. Bất bình trước kẻ xâm lược, hai người con dân tộc Thái là Lò Văn Ngải và Lò Văn Khanh cùng đứng lên tập hợp, lãnh đạo Nhân dân các dân tộc Mường Thanh chống lại kẻ thù. Nghĩa quân của hai ông đã liên kết với nghĩa quân của Hoàng Công Chất đánh quân xâm lược, giải phóng Mường Thanh, đem lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân.

Khuôn viên di tích quốc gia Thành Bản Phủ
Khuôn viên di tích quốc gia Thành Bản Phủ

Năm 1758, sau khi chiêu dụ dân chúng ổn định sản xuất, củng cố lực lượng, Hoàng Công Chất cho xây dựng Thành Bản Phủ với kiến trúc 2 thành kiên cố, gồm thành nội và thành ngoại, rộng hơn 80 mẫu đặt tại vị trí trung tâm cánh đồng Mường Thanh; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ra khắp 10 châu của phủ An Tây và giành quyền kiểm soát toàn bộ đất đai vùng Tây Bắc. Ông cũng là người có công trong việc truyền bá kiến thức, kỹ thuật trồng trọt của người miền xuôi cho đồng bào các dân tộc nơi đây; là nhân tố tạo ra sự đoàn kết cộng đồng các dân tộc. Nhân dân trong vùng tôn kính, ngợi ca ông mãi về sau rằng: "Chúa thật yêu dân/ Chúa xây bản mường/ Ai cũng nhờ chúa mà sống yên vui"...

Sau khi tướng Hoàng Công Chất qua đời (năm 1769) người dân Mường Thanh đã lập đền thờ tưởng nhớ công ơn ông và các vị tướng lĩnh trong khu vực Thành Bản Phủ. Ban chính điện đền Hoàng Công Chất thờ 10 pho tượng sơn son thếp vàng gồm: Tượng đức vua cha, Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Hoàng Công Chất và 6 vị tướng lĩnh. Ban công đồng đặt 7 bài vị của tướng quân Hoàng Công Chất và 6 vị tướng, trong đó có 2 tướng tài xuất chúng là tướng Lò Văn Ngải và tướng Lò Văn Khanh.

Một phần dấu tích Thành Bản Phủ được trùng tu tôn tạo
Một phần dấu tích Thành Bản Phủ được trùng tu tôn tạo

Dân làng nhớ, bản mường thương...

Huyền thoại về người anh hùng áo vải Hoàng Công Chất được lớp lớp người dân Ðiện Biên mãi ghi nhớ. Hình tượng ông đã đi vào thơ, ca như trong lời bài hát “Về Thành Bản Phủ” của nhạc sĩ Thanh Sơn “… Người cùng nghĩa quân vượt đèo núi cao lên miền Tây Bắc, đắp lũy dựng thành, rồi tuyển tướng chiêu binh. Cùng với tướng Ngải, tướng Khanh giải phóng Mường Thanh giữ yên bờ cõi”.

Để tưởng nhớ công ơn của Hoàng Công Chất và các tướng lĩnh có công lập bản, xây mường, hằng năm, vào ngày 5 tháng Năm âm lịch (ngày chiến thắng giặc Phẻ), đồng bào các dân tộc nơi đây lại cùng nhau tổ chức lễ hội tại đền, cúng “Then Chất” (Người trời Hoàng Công Chất) và 6 vị tướng lĩnh. Hoàng Công Chất được người Thái địa phương tôn thờ như một trong những người sáng lập ra bản Mường cùng với Lạng Chượng, Khun Mứn…

Phần lễ tế trang trọng với sự tham gia của Nhân dân 2 dân tộc Kinh và Thái
Phần lễ tế trang trọng với sự tham gia của Nhân dân 2 dân tộc Kinh và Thái

Sau này, để phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào Thái, lễ hội được tổ chức từ ngày 24 - 28 tháng Hai âm lịch, chính hội là ngày 25, cùng thời điểm tổ chức Lễ hội Xên Mường của đồng bào Thái Mường Thanh. Trong lễ hội có nghi thức cúng thần rất đặc biệt: Khoảng 9, 10 giờ đêm, dân bản mổ bò, mổ dê đem thui chín. Tiếp đó, người ta đem bò, dê đã thui vào gian thờ, đặt một tàu lá chuối lên lưng con bò, cùng muối ớt và một con dao, bên cạnh đó, còn có thêm 2 con gà, 1 gói xôi và 7 chén rượu.

Lễ xướng cúng thần được thực hiện vào nửa đêm, khấn thật nhỏ; tái hiện lại toàn bộ khung cảnh đêm cuối cùng cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, 7 vị tướng đã phải ăn uống vội vàng và bí mật, để rồi cùng nhảy vào lửa cháy chết một cách bi hùng.

Ngày nay, Lễ hội đền Hoàng đã được tách ra khỏi Lễ hội Xên bản, Xên Mường và được tổ chức khá quy mô; trở thành một hoạt động văn hóa - tín ngưỡng, điểm đến linh thiêng với mỗi người dân trong vùng lòng chảo Điện Biên cũng như du khách mọi miền tìm về.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS.