Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Một gốc trăm cành, gắn bó keo sơn!

Hồng Phúc - 17:18, 03/12/2020

6h sáng 3/12, trong cái lạnh của tiết trời mùa đông, tại Thủ đô Hà Nội, Đoàn 100 đại biểu đại diện cho 54 dân tộc bắt đầu chuyến hành trình về nguồn thiêng liêng và đầy tự hào: Tham dự Lễ dâng hương tại đền thờ các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Buổi lễ nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội làm Trưởng đoàn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đại biểu làm lễ dâng hương tại Đền Thượng
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đại biểu làm lễ dâng hương tại Đền Thượng

Trong hành trình về nguồn, 54 màu áo dân tộc anh em cùng hoà trong dòng người, chậm rãi lần theo những bậc đá lên điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ngút ngàn linh khí. Ai cũng thành kính thắp nén tâm hương lên bàn thờ Tổ, thể hiện tấm lòng tri ân với Tổ tiên. Cùng hội ngộ tại vùng đất chứng kiến huyền thoại lịch sử về Cha Lạc Long Quân kết duyên cùng Mẹ Âu Cơ sinh ra "Bọc trăm trứng", chúng ta mới hiểu hết 2 tiếng “đồng bào” thiêng liêng.

Không ở đâu trên thế giới này lại có một di tích đặc biệt và một ngày Quốc giỗ chung như ở Việt Nam. Thật khó diễn tả hết những tâm tư, tình cảm của mỗi người khi được trở về mảnh đất cội nguồn, nơi sinh ra triệu triệu người con mang dòng giống Tiên Rồng. Tình cảm ấy đã in sâu vào tâm khảm, là tình người, tình dân tộc, nghĩa đồng bào…

Chị Cao Thị Ngọc Thanh (30 tuổi) là đại biểu dân tộc Raglay, vượt hơn 1.000 km từ Khánh Hoà đến tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 rưng rưng: “Đây là lần đầu tiên mình được tham dự lễ dâng hương ở Đền Hùng. Ngày trước chỉ được xem qua ti vi, trên báo, hôm nay niềm mong ước được đặt chân đến đất Tổ linh liêng đã được thực hiện. Mình vô cùng xúc động và tự hào khi được hoà cùng với các dân tộc anh em tỏ lòng thành kính tri ân đối với các bậc tiền nhân”.

Đoàn đại biểu di chuyển từ chân núi Nghĩa Lĩnh lên Đền Thượng
Đoàn đại biểu di chuyển từ chân núi Nghĩa Lĩnh lên Đền Thượng

Chị Lò Thị Vân, dân tộc Lào (Điện Biên) chia sẻ: “Lần nào đến Đền Hùng tôi cũng có cảm giác như là trở về nơi chốn quen thuộc, nhưng cảm xúc lần này rất đặc biệt, lần đầu tiên tôi được gặp gỡ anh em 54 dân tộc trong một sự kiện trọng đại thế này. Chỉ biết tim mình cứ bồi hồi xúc động, tôi càng ý thức được trách nhiệm của mình đối với quốc gia, dân tộc. Chúng ta sẽ mãi cầm tay nhau, đoàn kết thành một khối”.

“Tôi rất hạnh phúc, chỉ có thế thôi chứ không biết nói gì hơn được nữa”, bác Apot đến từ Kontum nói. Dù đã ở tuổi 57, nhưng người đàn ông đã từng trải này không giấu được nghẹn ngào khi tận tay thắp nén nhang dâng lên Quốc Tổ.

Dường như tất cả các đại biểu từ mọi miền tổ quốc sum vầy về đây, trong khoảnh khắc này, chỉ có duy nhất một dòng máu Việt chảy trong huyết quản. Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc đã được truyền từ trái tim đến trái tim.

Các đại biểu xúc động, thành kính thắp nén tâm nhang khi về đất Tổ
Các đại biểu xúc động, thành kính thắp nén tâm nhang khi về đất Tổ

“Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong giây phút thiêng liêng, đồng chí, đồng bào ta càng ghi khắc lời căn dặn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Trong giây phút thiêng liêng nơi đất Tổ những ký ức lịch sử như được sống dậy. Đồng bào ta đã sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đồng bào các DTTS đã góp sức người, sức của để làm nên chiến thắng.

Có những làng, những bản phải hàng chục lần dời lên vùng rừng núi hẻo lánh, kiên trì chịu đói rét, bom đạn, vượt qua cả sự dụ dỗ và đe doạ của kẻ thù để bảo vệ đồng chí, đồng đội, bảo vệ thành quả cách mạng. Nhiều đồng bào, nhiều gia đình, nhiều bản làng sẵn sàng hứng chịu sự khủng bố, trả thù, bắt bớ, tàn sát để cưu mang, che giấu, bảo vệ cán bộ, giữ bí mật về tổ chức và  hoạt động của cách mạng. Nhiều tấm gương trung kiên, tiêu biểu mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ như: Anh hùng La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Đinh Núp… cùng hàng vạn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh.

Hiện nay, trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, đồng bào các DTTS tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó vươn lên, hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại dịch Covid -19, lũ lụt thiên tai hay trong bất kỳ hoạn nạn khó khăn nào cũng chỉ làm tình đồng bào thêm chặt bền, như truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" bao đời nay của dân tộc Việt Nam.

Các đại biểu đến từ mọi miền tổ quốc cùng hướng về đất Tổ
Các đại biểu đến từ mọi miền tổ quốc cùng hướng về đất Tổ

Trong không gian linh thiêng tại buổi Lễ dâng hương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 kính cáo: “Trước anh linh các vua Hùng và các bậc tiền nhân, đồng bào các dân tộc Việt Nam xin nguyện giữ gìn niềm tự hào, dòng dõi Tiên Rồng, ra sức rèn luyện, cùng nhau đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Nguyện cùng nhau chung sức, đồng lòng, phát huy ý chí, khát vọng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục sự nghiệp dựng nước và giữ nước của tổ tiên, bảo vệ vững chắc giang sơn bờ cõi. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đưa đất nước phát triển, làm rạng danh cơ đồ dân tộc, nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế…”.

Đoàn đại biểu 54 dân tộc chụp ảnh lưu niệm trước cổng Đền Thượng
Đoàn đại biểu 54 dân tộc chụp ảnh lưu niệm trước cổng Đền Thượng
Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.