Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa: Chính sách đặc thù mang lại sự thay đổi vùng đồng bào Mông

Minh Thu - 10:40, 15/03/2021

Cùng với các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã và đang triển khai trên địa bàn, Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2016 - 2020”, đã tăng thêm nguồn lực, qua đó thúc đẩy KT-XH phát triển bền vững,, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Mông.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh (thứ ba từ trái sang) trò chuyện với đồng bào Mông xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Tháng 01/2021)
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh (thứ ba từ trái sang) trò chuyện với đồng bào Mông xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Tháng 01/2021)

Từ năm 2017 trở về trước, gia đình chị Sung Thị Lâu (SN 1982) ở bản Toong, xã Pù Nhi thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh ĐBKK. Có ba con nhỏ, vợ chồng chị Lâu hằng ngày phải lên nương, lên rừng mưu sinh sống qua ngày bởi không có sinh kế, không có vốn để phát triển kinh tế gia đình.

Từ nguồn vốn thuộc Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển KT-XH đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2016 - 2020”, đầu năm năm 2017, gia đình chị Lâu được UBND xã Pù Nhi hỗ trợ 1 con bò sinh sản (trị giá 10 triệu đồng). Nguồn hỗ trợ đã tiếp thêm động lực để chị Lâu tạo dựng sinh kế. 

Chị đăng ký tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do UBND xã tổ chức và vay vốn mua giống lúa lai, giống cây bưởi, cam về trồng. Với sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, sự cần cù, chịu khó, sau bốn năm, chị Lâu đã phát triển được đàn bò lên thành 12 con, 200 con gà, 1 ha rừng trồng cây xoan, 6 sào lúa và 1 ha mía, thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng/năm.

Tương tự, ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, từ năm 2015, nhận thấy nhu cầu của gia đình và một số hộ dân trong bản cần đến máy xay sát, chàng thanh niên Thao Văn Tông đã làm thủ tục vay hơn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy. Đến năm 2017, từ nguồn vốn vay ưu đãi thuộc Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển KT - XH đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2016 - 2020”, anh Tông đã vay Ngân hàng thêm 30 triệu đồng để mở rộng diện tích canh tác lúa nước.

“Với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đã có được cơ hội để phát triển sản xuất và trả được hết nợ Ngân hàng. Trong năm nay, tôi dự định tiếp tục vay vốn để mở rộng sản xuất. Có thể tôi sẽ trồng thêm cây ăn quả, nuôi lợn thịt”, anh Tông chia sẻ.

Triển khai hiệu quả chính sách dân tộc, giúp cho đời sống KT-XH vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát đã có những chuyển biến tích cực.
Triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc giúp cho đời sống KT-XH vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát đã có những chuyển biến tích cực.

Số hộ nghèo là người dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mường Lát đã giảm từ 2.750 hộ (năm 2016) xuống còn khoảng 2.300 hộ (năm 2020). Nhiều công trình đường làng, ngõ xóm được xây mới, các mô hình phát triển kinh tế mới được thực hiện hiệu quả, cuộc sống của bà con dần ổn định.

Theo tìm hiểu của phóng viên, triển khai Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển KT-XH đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2016-2020”, UBND huyện Mường Lát đã chỉ đạo các ban, ngành, các xã hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đầu tư các cơ sở hạ tầng, giúp bà con khai hoang đất để sản xuất nông nghiệp. 

Cùng với các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đã và đang triển khai trên địa bàn, Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển KT-XH đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2016-2020” đã góp phần thúc đẩy KT-XH, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào Mông toàn huyện.

Ông Cao Văn Cường, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng để kết nối vùng DTTS&MN với vùng phát triển, thu hút đầu tư, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tập trung giải quyết cơ bản vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, dạy nghề, tạo sinh kế cho đồng bào có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống; tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đặc biệt nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào khắc phục tính tự ti, thụ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.