Năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ổn định và từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng tiếp tục được tăng cường; công tác giáo dục, y tế ở vùng DTTS có nhiều tiến bộ; giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và phát triển...
Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tốc độ tăng trưởng đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 56.735 tỷ đồng, vượt 59,5% dự toán, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 7 cả nước.
Cùng với thành tựu chung của tỉnh, vùng đồng bào DTTS và miền núi Thanh Hóa cũng đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Nhìn chung, trong năm 2024, tình hình kinh tế - văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh ổn định, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Trong đó, giảm nghèo tiếp tục là một thành tựu ấn tượng ở khu vực miền núi của tỉnh. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, 11 huyện miền núi còn 14.911 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ là 6,30%) và 26.340 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 11,13%). So với năm 2023, khu vực miền núi của tỉnh giảm 4,73% hộ nghèo và giảm 2,94% hộ cận nghèo. Riêng hộ nghèo người DTTS ở 11 huyện miền núi giảm 6,73% so với năm 2023; hộ cận nghèo người DTTS giảm 3,42%.
Ngoài ra, đến ngày 16/12/2024, 11 huyện miền núi có 80 xã và 730 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã (Hải Long, huyện Như Thanh) và 65 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Khu vực miền núi của tỉnh đã có 144 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao.
Đặc biệt, Chương trình MTQG 1719 đã góp phần quan trọng thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả tỉnh, cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ước năm 2024, thu nhập bình quân của địa bàn này đạt 42,62 triệu đồng/người/năm.
Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi, làm rõ hơn về những kết quả đạt được của năm 2024, cũng như phương hướng, nhiệm vụ thực hiện trong năm 2025.
Theo đó, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Thanh Hóa tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG; nhất là Chương trình MTQG 1719; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc. Tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân từ 3%/năm trở lên.
Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc theo đúng kế hoạch đề ra, như: Chính sách đối với Người có uy tín; đề án điểm, điển hình giảm nghèo.
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ; triển khai nắm bắt, kiểm tra, trao đổi thông tin về tình hình công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của địa phương bằng nhiều hình thức; tổ chức sơ kết, đánh giá, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong việc xây dựng văn bản chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát chính sách dân tộc...
Nhân dịp này, đã có 5 tập thể, 3 cá nhân đã được Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa tặng Giấy khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc năm 2024.