Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa: Hàng ngàn hộ dân khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét chưa bố trí được nơi tái định cư

Quỳnh Trâm - 05:06, 23/07/2024

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn còn 2.564 hộ đang sinh sống ở địa bàn có nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao, chủ yếu tại 11 huyện miền núi chưa được bố trí nơi tái định cư mới,

Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại xã Lũng Cao, huyện Bá Thước
Dự án sắp xếp, ổn định dân cư tại xã Lũng Cao, huyện Bá Thước

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4845/QĐ-UBND, ngày 01/12/2021 phê duyệt Đề án “Sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025”.

Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025 bố trí sắp xếp, ổn định cho 2.846 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn 54 xã thuộc 9 huyện miền núi, theo 3 hình thức: Tái định cư (TĐC) xen ghép cho 1.122 hộ; TĐC liền kề cho 846 hộ/34 dự án và TĐC tập trung cho 878 hộ/17 dự án.

Nhìn từ thực tế triển khai Đề án, bên cạnh những thuận lợi về mặt chủ trương, chính sách của tỉnh thì, quá trình thực hiện Đề án, các huyện miền núi cũng gặp không ít khó khăn.

Theo báo cáo của UBND các huyện thực hiện Đề án, đến nay đã thực hiện sắp xếp, bố trí TĐC xen ghép cho 131/1.122 hộ, đạt tỷ lệ 11,7% mục tiêu đề án. Trong đó, huyện Lang Chánh 7/26 hộ, đạt tỷ lệ 26,9%; huyện Bá Thước có 33/141 hộ, đạt tỷ lệ 23,4%; huyện Như Xuân 4/25 hộ, đạt tỷ lệ 16%; huyện Quan Hóa 42/320 hộ...

Về thực hiện các dự án TĐC tập trung, liền kề, đối với 17 dự án/556 hộ được phê duyệt chủ trương đầu tư (thời gian phê duyệt từ tháng 7/2022 và tháng 3/2023); đến nay, đã hơn 1 năm triển khai thực hiện, nhưng mới có 3 dự án đang thực hiện thi công san lắp mặt bằng; còn lại 14 dự án vẫn đang triển khai thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Đối với 18 dự án/707 hộ chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các huyện để trình thẩm định chủ trương đầu tư dự án (lần 1). 

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định một số dự án có vị trí bố trí TĐC cho các hộ dân, chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất phải chờ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới bảo đảm điều kiện thẩm định; một số dự án theo yêu cầu các huyện, phải có cam kết vốn đối ứng kinh phí giải phóng mặt bằng để xác định tổng mức đầu tư dự án bảo đảm quy định. Tuy nhiên, một số huyện đang gặp khó khăn và không bố trí được kinh phí để thực hiện giải phóng mặt bằng...

Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc cũng được chỉ ra, do các huyện miền núi có đặc điểm địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn, chia cắt bởi nhiều sông, suối nên việc lựa chọn vị trí TĐC bảo đảm an toàn gặp khó khăn khi quỹ đất ở rất hạn chế. Nhiều khu dự kiến bố trí TĐC cho các hộ dân cách xa trung tâm xã, huyện; cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, địa hình phức tạp, độ dốc cao, khối lượng đất đá rất lớn dẫn đến chi phí san nền, chi phí vận chuyển vật liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng khu TĐC lớn...

Hằng năm, cứ chuẩn bị đến mùa mưa bão, các hộ đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất mà chưa được bố trí được nơi tái định cư mới lại sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu. 

Điển hình như, tại huyện miền núi Quan Hóa, hiện đang có nhiều hộ dân sống trong vùng nguy cơ có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Chị Hà Thị Bích, bản Vui, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa cho hay, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên cuộc sống rất khó khăn, thời gian qua, dù UBND xã Phú Xuân đã có phương án di dời gia đình đến nơi ở mới, thế nhưng do không có kinh phí di chuyển nên gia đình vẫn sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở này. Gia đình mong muốn xã Phú Xuân sớm có giải pháp hỗ trợ kinh phí để người dân làm nhà mới ở khu vực an toàn.

Theo bà Lê Thị Hằng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Hóa, trên địa bàn huyện Quan Hóa đang có nhiều hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Thời gian tới, huyện sẽ có giải pháp hỗ trợ các hộ dân di dời. Với các hộ dân thuộc đề án sắp xếp, ổn định dân cư của tỉnh, huyện sẽ đưa vào các khu tái định cư xen ghép và tập trung; đối với các hộ dân ảnh hưởng thiên tai phải tự di dời; đồng thời, huyện sẽ xây dựng kế hoạch cùng UBND các xã tìm quỹ đất để các hộ di dời đến nơi ở mới an toàn.

Khu tái định cư bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát
Khu tái định cư bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát

Theo ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, ngoài nguồn vốn Đề án, thời gian qua, UBND các huyện cũng đã lồng ghép với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để giúp các hộ di dời, từ đó nhiều hộ dân sau khi được di chuyển đến nơi ở mới an toàn, cũng đã vay mượn thêm tiền để xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. 

Mặc dù, đã có nhiều cố gắng, thế nhưng với khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện  đã nêu trên của Đề án nên hiện nay, vẫn còn 2.564 hộ đang sinh sống có nguy cơ xảy ra sạt lở đất chưa được bố trí nơi tái định cư mới, chủ yếu tại 11 huyện miền núi, trong khi tiến độ Đề án đã chậm so với quyết định được UBND tỉnh phê duyệt.