Cụ thể, đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh có 67.684 hộ nghèo, tăng 349 hộ so với đợt rà soát vào cuối năm 2021; hộ cận nghèo là 86.912 hộ, tăng 86 hộ. Trong đó, có tới 20.878 hộ không bảo đảm chất lượng về nhà ở; 19.058 hộ có nhà không bảo đảm về diện tích bình quân đầu người. Tình trạng nhà ở không được bảo đảm khiến cuộc sống của người dân không ổn định, đăc biệt là các hộ gia đình DTTS, hộ neo đơn, tàn tật..
UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá, với điều kiện nhà ở của các hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 6 huyện nghèo hiện nay không bảo đảm để chống chịu khi có bão lớn, thiên tai bất thường, do đó tiềm ẩn nguy hiểm cho tính mạng và tài sản người dân.
Từ thực trạng trên, tỉnh Thanh Hóa ban hành đề án sửa chữa, xây mới nhà cho 8.517 hộ gia đình ở 6 huyện miền núi, gồm: Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát.
Trong đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ xây nhà ở mới cho 4.637 hộ; sửa chữa nhà cho 3.880 hộ. Tổng số tiền đầu tư hơn 263 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Trong năm 2023, tỉnh sẽ hỗ trợ xây mới và sửa nhà cho 40% số hộ; năm 2024 là 30% số hộ; năm 2025 là 30% số hộ còn lại.
Tỉnh Thanh Hóa giao các Sở, ban, ngành và UBND các huyện nhanh chóng triển khai đề án để bảo đảm cho người dân cuộc sống ổn định.
Để thực hiện đề án có hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tổ chức thiết kế mẫu nhà (tối thiểu 3 mẫu) và dự toán kinh phí, số lượng vật liệu xây dựng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp thực hiện án phân bổ nguồn kinh phí cho đơn vị. Ngoài ra, Sở Tài chính sẽ xây dựng và phân bổ nguồn kinh phí, hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí.
Đối với UBND 6 huyện có hộ dân được xây dựng và sửa chữa nhà, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính sách cho từng hộ, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.
Đối với cấp xã, địa phương có hộ dân được xây mới và sửa nhà thực hiện việc nghiệm thu, xác nhận khối lượng hoàn thành của công trình.