Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Thanh Hóa: Lo ngại công tác bảo vệ trường học hiện nay

PV - 14:06, 27/05/2019

Vừa qua, tại Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng khiến 6 người thương vong. Sự việc này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về công tác bảo vệ trường học ở miền núi hiện chưa được chú trọng.

Trường Tiểu học Đồng Lương, nơi mới xảy ra án mạng. Trường Tiểu học Đồng Lương, nơi mới xảy ra án mạng.

Bảo vệ lỏng lẻo

Tại các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là ở các huyện miền núi, công tác bảo vệ trường học vẫn còn chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, hầu hết lực lượng bảo vệ tại các trường học rất mỏng, chỉ có 1 người làm công việc đánh trống trường, đóng mở cổng, trông coi cơ sở vật chất của trường. Đa số những người bảo vệ đều cao tuổi, hết tuổi lao động hoặc là phụ nữ, không có đủ sức khỏe và nghiệp vụ hay công cụ hỗ trợ khi xảy ra tình huống xấu.

Do tâm lý chủ quan, thiếu sự quan tâm của nhà trường và phụ huynh mà không ít trường xảy ra những vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. Đặc biệt là vụ đau lòng xảy ra tại trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh mới đây. Vào lúc 9h ngày 3/5/2019, đối tượng Đỗ Mãnh Chiểu Minh (25 tuổi), trú tại thôn Cốc Mốc, xã Đồng Lương đã đột nhập vào trường, đâm thương vong 6 cô trò, trong đó, 1 em học sinh lớp 5 tử vong, 5 người còn lại bị thương nặng.

Đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ và khởi tố kẻ gây án về tội giết người. Các em bị thương đã hồi phục và trở lại lớp học. Tuy nhiên, đối với bản thân các nạn nhân cũng như gia đình của các em, ký ức kinh hoàng và đau xót này sẽ theo họ đến suốt cuộc đời.

Vụ việc đáng buồn khác, xảy ra tại xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), chỉ vì sợ con bị bạn học bắt nạt, một phụ huynh đã lẻn vào Trường THCS Cẩm Ngọc để hành hung em Lê Anh Tuấn (học sinh lớp 7) khiến em này bị thương tích. Bảo vệ nhà trường cũng không phát hiện được sự việc trên để ngăn cản.

Ông Lê Thiên Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Lương, nơi xảy ra vụ án mạng kinh hoàng thừa nhận: Công tác bảo vệ trong trường học còn yếu kém. Ông cũng đề nghị chính quyền xã, huyện và tỉnh hỗ trợ kinh phí hằng năm cho trường học để chi trả, hợp đồng lâu dài cho lao động làm bảo vệ chuyên nghiệp, đủ khả năng và có trách nhiệm. Trong khi đó, bảo vệ trường hiện tại chỉ có mức thu nhập 800.000 đồng/tháng thì không thể toàn tâm, toàn ý cho công việc.

Bảo vệ trường học cần được chú trọng

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị, học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) trong buổi làm việc tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã khẳng định: Công tác bảo đảm an toàn trong trường học, là việc của chính quyền địa phương, ban giám hiệu nhà trường, nhưng cần có sự phối hợp với gia đình học sinh, các cơ quan, đoàn thể khác. Còn vị trí việc làm bảo vệ trường học đã có quy định của Nhà nước, Bộ GD&ĐT tại các thông tư, hướng dẫn cụ thể.

“Ngành GD&ĐT, nội vụ, tài chính ở huyện, tỉnh phải có ý kiến tham mưu cho lãnh đạo chính quyền sở tại có phương án tuyển dụng bảo vệ trường học đủ mạnh, có nghiệp vụ bảo vệ, trách nhiệm với công việc và có thu nhập ổn định, làm việc lâu dài, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh trong nhà trường”, ông Linh đề xuất.

Thầy giáo Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, chia sẻ: Trên địa bàn huyện có 4 điểm trường, đều có bảo vệ, lương tùy thuộc vào quy mô trường lớp, thời điểm. Tại điểm trường chính, do quy mô trường lớp rộng nên trong năm học lương của bảo vệ được trả 1 triệu đồng/người/tháng, còn hè phải trông coi 24/24h nên mức lương được trường trả cao hơn một chút. Ở một số điểm trường khác thì mức lương thấp hơn. Kinh phí này do nhà trường tự cân đối. “Tuy nhiên, nếu xảy ra vấn đề gì trong trường thì lực lượng bảo vệ hiện nay thật đáng lo ngại, bởi họ chủ yếu là người cao tuổi”, thầy giáo Đặng Xuân Viên cho hay.

Thực tế cho thấy, các huyện miền núi Thanh Hóa đều vẫn còn nghèo. Về công tác bảo vệ, ở hầu hết các trường học chỉ được chính quyền địa phương hỗ trợ một nửa, thậm chí có những trường phải tự cân đối ngân sách để chi trả tiền lương cho bảo vệ. Kinh phí eo hẹp chính là một bài toán khó quyết định đến chất lượng nhân lực bảo vệ.

Về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục chính trị-học sinh, sinh viên (Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa) cho rằng: “Bảo vệ trường học đều có trong quy định vị trí việc làm của các trường công lập, nhưng thời gian qua, bảo vệ ở các trường học tại huyện Lang Chánh và nhiều địa phương ở Thanh Hóa đều là hợp đồng ngắn hạn, thời vụ, hoặc không có hợp đồng lao động”.

Do vậy, ông Dũng đề nghị, Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ có ý kiến tham mưu cho UBND tỉnh có phương án tuyển dụng bảo vệ trường học đủ mạnh, hợp đồng lâu dài, trả tiền lương hàng tháng phù hợp với trách nhiệm của bảo vệ nhà trường.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.