Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 không còn tình trạng tảo hôn

Quỳnh Trâm - 06:40, 29/11/2022

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống xảy ra tại vùng đồng bào DTTS Thanh Hóa đang là vấn đề nan giải. Dù chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng này vẫn đang xảy ra tại các huyện biên giới đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nạn tảo hôn khiến các em phải làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, bỏ lại những ước mơ dang dở
Nạn tảo hôn khiến các em phải làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, bỏ lại những ước mơ dang dở

Dai dẳng tình trạng tảo hôn nơi vùng cao 

Tại bản Khằm 1, xã Trung Lý, có 78 hộ với 425 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. Từng có thời gian dài bản Khằm 1 luẩn quẩn trong đói nghèo, tệ nạn ma túy và tình trạng tảo hôn. Bên những ngôi nhà tạm bợ, các “bà mẹ” ở độ tuổi cắp sách đến trường địu con trên lưng, tay bế tay bồng. Họ phải làm vợ, làm mẹ ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, bỏ lại những ước mơ dang dở ở phía sau Cổng trời Trung Lý.

Như trường hợp em Vàng Thị Pia, mới hơn 20 tuổi đã có 4 mặt con. Không công ăn việc làm, lại đông con, dẫn đến đời sống của gia đình Vàng Thị Pia luôn trong cảnh thiếu trước, hụt sau và phải trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trương Thị Huyền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mường Lát cho biết: Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn, những năm qua, huyện Mường Lát đã đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền,  giáo dục về Luật Hôn nhân và Gia đình; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước thôn bản. Đẩy mạnh giáo dục giới tính trong trường học, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên trong tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh.

Tuy nhiên, theo thống kê từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 960 cặp kết hôn, trong đó có 151 cặp tảo hôn; 1 cặp kết hôn cận huyết thống. Số vụ xử lý vi phạm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn là hơn 90 vụ.

Quan Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các chính sách dân tộc năm 2022
Quan Sơn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và các chính sách dân tộc năm 2022

Tương tự như tại huyện biên giới Quan Sơn, dù các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, nỗ lực tuyên truyền, nhưng vấn nạn tảo hôn vẫn diễn ra ở vùng đồng bào DTTS. Như trường hợp em Hà Thị Hương (sinh năm 2002), ở thị trấn Sơn Lư, em đã bỏ học và lấy chồng năm 16 tuổi dù chưa đủ tuổi kết hôn. Trong 2 năm 2017 và 2018 em đã sinh hai con. Do lấy nhau từ khi còn nhỏ, phải bỏ học giữa chừng và không có vốn nên hai vợ chồng chỉ làm ruộng, trồng ngô, lúa. Cuộc sống khó khăn do không biết làm ăn. Không có tiền nuôi con nên chồng em phải đi làm công nhân tại Hà Nội, còn em ở nhà làm ruộng và chăm con.

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn chia sẻ, giải pháp hiện nay của địa phương cũng chỉ là tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Trong đó, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình dự án chính sách, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 để triển khai các mô hình,  thực hiện tốt các chính sách tạo việc làm, hỗ trợ cho bà con xóa đói giảm nghèo ổn định đời sống, trước khi kết hôn..., từ bỏ được những suy nghĩ là lấy chồng, vợ để gia đình có thêm người lao động, để giữ của cải. Huyện cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ không còn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn...

Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, hiện, Ban Dân tộc đang tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án), với mục tiêu đẩy lùi tình trạng này tại các xã miền núi.

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 262 hội nghị tuyên truyền, 113 buổi nói chuyện, nhiều mô hình điểm về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông khu vực miền núi.

Ban Dân tộc Thanh Hóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ làm công tác dân tộc về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”
Ban Dân tộc Thanh Hóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ làm công tác dân tộc về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”

Bà Cao Thị Hòa, Trưởng phòng Chính sách Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết, Ban đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện miền núi lên kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh thực hiện giai đoạn 2 đề án. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, UBND các huyện sẽ duy trì, nhân rộng các mô hình can thiệp, giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bảo DTTS.

Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh cũng tổ chức các hội nghị, tập huấn cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật trẻ em…; biên soạn tài liệu, các sản phẩm truyền thông như tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, hỏi đáp về pháp luật hôn nhân và gia đình, các vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết để cấp phát cho các xã, thôn, bản; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác dân tộc, báo cáo viên.

Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra dai dẳng ở các huyện biên giới vùng cao như Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát...; Nguyên nhân là do nhiều khu vực biên giới còn phong tục hứa hôn. Tại một số bản Mông, người dân còn nặng quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có nhân lực làm nương rẫy, giữ của cải trong nhà... 

Thực trạng này đã ăn sâu 'bám rễ" trong tư duy, nhận thức về hôn nhân của đồng bào, không phải một sớm, một chiều có thể giải quyết được. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến vùng đồng bào chưa đủ rộng; việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính…

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã đặt mục tiêu, phấn đấu đến hết năm 2025, trên địa bàn sẽ không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Để thực hiện mục tiêu, các cấp chính quyền địa phương đang kỳ vọng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì nguồn lực hỗ trợ từ Tiểu dự án 2, Dự án 9 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được triển khai trong 10 năm, sẽ giúp các địa phương có thêm nguồn lực, kiên trì giải quyết những vấn đề còn khó khăn trong công tác truyền thông, nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS .

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân có nhà ở ổn định

Quảng Nam: Huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân có nhà ở ổn định

Với mục tiêu “không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, các cấp, sở ngành ở Quảng Nam đã huy động nhiều nguồn lực tổng hợp nhằm đẩy mạnh công tác xoá nhà tạm, nhà bán kiên cố cho người dân. Nhờ đó, nhiều hộ dân gặp khó khăn có được căn nhà ở ổn định, an toàn.