Khai thác bản sắc văn hóa trong phát triển kinh tế
Mỗi dân tộc có nét đẹp riêng làm nên bức tranh đa màu sắc của đồng bào DTTS miền núi xứ Thanh. Các huyện phía tây của tỉnh Thanh Hóa có tiềm năng, thế mạnh sẵn có khi nắm giữ sự đa dạng về bản sắc văn hóa. Những năm qua, trong hành trình tìm kiếm những hướng đi nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở các huyện miền núi, chính quyền các cấp đã xác định, việc phát triển hiệu quả kinh tế phải song hành với bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa bản địa.
Ví như, trang phục truyền thống của các DTTS là một sản phẩm mang đặc trưng văn hóa, chứa đựng linh hồn của các dân tộc. Hiện nay, trang phục truyền thống của đồng bào cũng có thể trở thành sản phẩm mang giá trị về kinh tế ở các vùng miền núi.
Điển hình như ở làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, ai cũng biết đến bà Phạm Thị Bảo, người có công xây dựng cơ sở sản xuất thêu dệt thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng. Từ khi là thiếu nữ mới lớn, bà đã được mẹ dạy nghề trồng dâu, dệt vải, thêu thùa. Đã có bao nhiêu tấm khăn, tấm váy thổ cẩm được dệt, thêu nên bởi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Mường này.
Nhiều năm trôi qua, chứng kiến sự đổi thay của thời đại, bà nhìn thấy nghề dệt thổ cẩm đang dần có nguy cơ mai một, trong khi đó những người biết dệt chủ yếu là ở độ trung niên và cao tuổi. Do đó, với tâm huyết phục dựng, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc những năm qua, bà từng bước gây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm thổ cẩm.
Qua đó, cơ sở này cũng tạo việc làm thường xuyên cho nhiều phụ nữ trong làng, thu nhập từ 3.500.000 đồng đến 4.500.000 đồng/người/tháng. Sản phẩm của bà đã được đưa đến từng ngõ ngách của xứ Mường. Để mỗi dịp lễ tết, những ngày lễ quan trọng của dân tộc, những tấm khăn, tấm váy đầy hoa văn và màu sắc lại được các cô gái Mường, các bà, các mẹ chưng diện, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Mường.
“Văn hóa Mường thể hiện đậm nét ở những sản phẩm thổ cẩm này, nó là linh hồn, là dấu ấn, đặc trưng văn hóa của dân tộc, chúng ta phải làm gì đó để gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Ngày nay, ngày càng ít người biết thêu thùa, dệt vải, tại sao không biến những giá trị văn hóa này thành sản phẩm kinh tế, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, lại gìn giữ được bản sắc”, bà Bảo chia sẻ.
Tương tự ở xã Lũng Niêm (huyện Bá Thước), bà Hà Thị Dung ở phố Đoàn (còn gọi là phố Đòn), là một trong những người tâm huyết gìn giữ sắc màu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái. Yêu văn hóa của người Thái, mong muốn được góp phần gìn giữ những nét độc đáo trong trang phục của dân tộc mình, bà Hà Thị Dung đã không ngại bắt tay vào việc xây dựng cơ sở sản xuất váy áo cho người Thái.
Bà mua thêm khung cửi để truyền dạy nghề dệt váy cho chị em phụ nữ trong xã, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bà còn mở cơ sở may, dệt tạo nên việc làm, thu nhập cho bà con. Với tinh thần nhiệt huyết của mình và sự ủng hộ của những người nặng lòng với văn hóa Thái, cơ sở của bà Dung ăn nên làm ra, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều du khách. Không những từ cộng đồng người Thái ở các huyện phía Tây, mà còn là nơi để du khách nước ngoài mỗi lần du lịch Pù Luông ghé đến thăm qua, mua đồ lưu niệm.
Tăng cường công tác quản lý và định hướng
Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của trang phục dân tộc được các cấp, các ngành, địa phương và đồng bào các DTTS xứ Thanh quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, ngoài việc tăng cường, chú trọng mở các lớp dạy nghề truyền thống về thổ cẩm, may thêu váy áo cho đồng bào, ngành văn hóa định kỳ tổ chức các liên hoan, hội diễn văn hóa các DTTS, tổ chức các lễ hội đầu xuân, trong đó có nội dung thi biểu diễn trang phục dân tộc.
Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ nhằm tôn vinh các nghệ nhân là những người giữ và “truyền lửa” cho thế hệ mai sau; tổ chức hội thảo khoa học về bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh...
Đặc biệt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4795/QĐ-UBND ngày 21-12-2022 phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030” và Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 20-3-2023 về triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025”, với những mục tiêu cụ thể là: 100% các huyện miền núi tổ chức tuyên truyền người dân tự làm, sản xuất y phục và duy trì mặc trang phục trong ngày lễ tết, trong hoạt động học tập.
Bên cạnh đó, tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn; trưng bày triển lãm về trang phục truyền thống trong ngày hội văn hóa các dân tộc. Tổ chức được các chương trình quảng bá, giới thiệu nét đẹp trong trang phục, nghề truyền thống của đồng bào DTTS phục vụ phát triển du lịch. Hình thành một số sản phẩm du lịch từ trang phục và nghề truyền thống để giới thiệu, bày bán phục vụ khách tại một số khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh...
Việc thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa tộc người, thúc đẩy sinh kế đa dạng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.