Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thanh niên vùng biên vượt khó khởi nghiệp

PV - 11:14, 12/03/2018

Hưởng ứng phong trào thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn Thanh Hóa triển khai, nhiều thanh niên người DTTS huyện Quan Sơn đã vượt khó vươn lên phát triển kinh tế làm giàu ngay tại địa phương.

Anh Phạm Bá Duy (ngoài cùng bên phải) ở bản Hiết đang chăm sóc đàn bò của trang trại mình. Anh Phạm Bá Duy (ngoài cùng bên phải) ở bản Hiết đang chăm sóc đàn bò của trang trại mình.

 

Anh Lương Văn Phúc (người dân tộc Thái, sinh năm 1991), ở bản Păng, xã Sơn Lư, đang được mọi người nhìn nhận là một thanh niên dám nghĩ, dám làm. Sau khi tốt nghiệp Viện Đại học Mở Hà Nội năm 2014, Phúc quyết định về quê lập nghiệp, với ý tưởng táo bạo là xây dựng một khu vui chơi, giải trí cho trẻ em vùng biên. Bắt tay vào thực hiện ý tưởng, Phúc gặp ngay sự khó khăn, do dự kiến số vốn đầu tư lên tới 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, tính khả thi từ lập kế hoạch, triển khai dự án, anh đã thuyết phục được người nhà, bạn bè và ngân hàng cho vay vốn để thực hiện dự án.

Bằng sự chăm chỉ, chịu khó, cơ sở kinh doanh của Phúc đã làm hài lòng trẻ em, các bậc phụ huynh trong huyện khi tìm đến cho trẻ vui chơi. Hiện cơ sở vui chơi giải trí của anh mang lại thu nhập hơn 300 triệu/năm, tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập 3 triệu/người/tháng. Phúc trở thành tấm gương sáng cho thanh niên khác học tập noi theo; đồng thời được các đoàn viên thanh niên tín nhiệm bầu làm bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Quan Sơn.

Ở bản Hiết, xã Sơn Thủy, có Phạm Bá Duy (sinh năm 1989). Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái nghèo, do hoàn cảnh gia đình nên Duy không được học đúng độ tuổi. Nhưng với ước mơ thay đổi cuộc sống, Duy đã dự thi và trúng tuyển vào Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Hồng Đức.

Sau 4 năm đèn sách, tốt nghiệp với tấm bằng loại khá và đi xin việc nhiều nơi nhưng không thành, anh quyết định vào làm cho một công ty tư nhân có trụ sở đóng tại tỉnh Bình Dương. Do mới ra trường, kinh nghiệm chưa có nên mức lương thấp, anh phải làm thêm công việc chạy bàn cho các quán ăn buổi tối để kiếm thêm thu nhập.

Năm 2015, Duy trở về quê nhà với quyết tâm xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, vươn lên làm giàu. Khi mở trang trại, anh được Huyện Đoàn, Hội làm vườn Quan Sơn tư vấn, hướng dẫn, do đó, Duy đã vay vốn ngân hàng mua 7 con bò giống để chăn nuôi, kết hợp trồng các loại cây vầu, luồng, lát và nuôi gà...

Nhờ kiên trì, chịu khó, trang trại của Phạm Bá Duy ngày một phát triển, với tổng diện tích hơn 11 ha, đang có 20 con bò sinh sản, 4 ha cây vầu, 6 ha cây luồng, 1 ao nuôi cá; thu nhập bình quân khoảng 100 triệu/năm.

Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Duy còn là một Bí thư Chi đoàn xuất sắc, luôn năng nổ trong các hoạt động đoàn của xã. Anh đã hướng dẫn nhiều thanh niên khởi nghiệp, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Theo chị Lương Thị Hương, Phó Bí thư Huyện Đoàn Quan Sơn, Quan Sơn nằm trong 62 huyện nghèo nhất nước, vì vậy luôn gặp khó khăn trong công tác vận động khởi nghiệp do nhiều thanh niên không đủ điều kiện vay vốn, đất đai không có nên không có cơ sở để ngân hàng cho vay. Tuy khó khăn nhưng các thanh niên vùng biên ở đây luôn tìm mọi cách để vươn lên, hai tấm gương cán bộ Đoàn trên là những nhân tố nổi bật trong phong trào thanh niên khởi nghiệp của huyện.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Măng Ri - Từ căn cứ kháng chiến đến thủ phủ sâm Ngọc Linh

Măng Ri - Từ căn cứ kháng chiến đến thủ phủ sâm Ngọc Linh

Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông từng là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Kon Tum, nổi tiếng với Khu căn cứ Tỉnh ủy thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ - được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Măng Ri hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới, với cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, đời sống của đồng bào được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn. Diện mạo mới của vùng căn cứ cách mạng Măng Ri bắt đầu từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây.