Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thành phố Điện Biên Phủ: Nông dân xã vùng ven tìm hướng thoát nghèo

Giang Thanh - 06:11, 10/11/2023

Từ thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, chúng tôi di chuyển khoảng hơn 20km là đến xã Nà Tấu. Đây là một trong 4 xã vùng ngoài của thành phố Điện Biên Phủ vẫn còn hộ nghèo. Theo kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, tính đến hết quý 3 của năm 2023, xã Nà Tấu vẫn còn 27 hộ nghèo. Nhưng theo rà soát mới nhất, tính đến cuối năm 2023, toàn xã đã có 22 hộ vươn lên thoát nghèo, chỉ còn lại 5 hộ nghèo.

Một góc xã Nà Tấu tươi đẹp. Ảnh: Tư Trịnh
Một góc xã Nà Tấu tươi đẹp. Ảnh: Tư Trịnh

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tấu phấn khởi chia sẻ: Đảng bộ xã đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xã Nà Tấu được hưởng các chính sách và giảm nghèo và an sinh xã hội như: Chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo, Chính sách y tế, Chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiền điện; lồng ghép 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm: Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và Chương trình xây dựng nông thôn mới để triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, hộ nghèo còn được hỗ trợ làm nhà. Năm 2023, toàn xã Nà Tấu đã có 33 hộ được hỗ trợ làm nhà, trong đó có 27 hộ là hộ nghèo. Đây là Đề án nhân văn, hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 10/12/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên, ông Mai Hoàng Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay tỉnh Điện Biên đang triển khai 221 dự án các mô hình giảm nghèo do cộng đồng đề xuất; tập trung triển khai các mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất theo chuỗi liên kết và hỗ trợ sản xuất cộng đồng kết hợp mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật trồng chăm sóc cây trồng. Kết quả giải ngân đến hết tháng 10 năm 2023 là 22.874 triệu đồng đạt 19,05% kế hoạch vốn giao.

Nà Tấu là một trong các xã điển hình của thành phố Điện Biên Phủ tích cực trong phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, đạt được nhiều thành quả. Anh Lò Văn Pâng là một cá nhân tiêu biểu với việc phát triển đa dạng các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như: chế biến miến dong, trồng cây mắc ca, cà phê, nuôi dê, nuôi cá, cung ứng phân bón, giống cây trồng… cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, anh Pâng còn vận hành HTX Hồng Phước, giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động, trong đó cả không ít hộ nghèo và hộ cận nghèo tại xã Nà Tấu.

 Ông Lò Văn Dên (đội mũ) ở bản Co Cượm, xã Pá Khoang mua được đàn bò sinh sản nhờ vay vốn theo chính sách. (Ảnh Tư Trịnh)
Ông Lò Văn Dên (đội mũ) ở bản Co Cượm, xã Pá Khoang mua được đàn bò sinh sản nhờ vay vốn theo chính sách. (Ảnh Tư Trịnh)

Phó Chủ tịch UBND xã - Lò Văn Cường thông tin thêm: Xã Nà Tấu tạo mọi điều kiện cho bà con phát triển nghề truyền thống. Năm 2022, nghề mây tre đan ở bản Nà Tấu 1 của xã đã được công nhận đủ tiêu chuẩn làng nghề truyền thống. Theo đó, người dân trong xã đã phát huy nghề truyền thống để có thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo.

Ông Lò Văn Inh là một nghệ nhân nổi tiếng trong nghề đan lát ở bản Nà Tấu 1. Dù năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng mỗi tháng, ông vẫn làm được khoảng 30 - 40 chiếc ghế mây và nhiều loại sản phẩm khác. Mỗi chiếc bán được khoảng 100 nghìn đồng, mang lại nguồn thu kha khá cho gia đình. Ông còn hướng dẫn người dân trong bản làm các sản phầm bằng mây tre đan như: bàn, ghế, cóng khẩu, ếp khẩu, đó, nơm, giỏ, rổ, rá, nong, nia, mẹt...

Do đặc thù nghề mây tre đan có thể làm tranh thủ vào những lúc nông nhàn, người già và trẻ em đều có thể tham gia để tạo thu nhập nên nhiều hộ gia đình đã đăng ký tham gia làm nghề. Ở bản Nà Tấu 1, 2, 3 có 18 hộ gia đình đăng kí tham gia sản xuất tập trung trong mô hình HTX Mây tre đan Nà Tấu. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường trong nước và quốc tế hàng nghìn sản phẩm với mẫu mã và chất lượng ngày càng được nâng cao. Ông Lò Văn Cương, Giám đốc HTX Mây tre đan Nà Tấu trở thành tấm gương tiêu biểu để người dân địa phương học tập, noi theo, tạo ra thu nhập, vươn lên làm giàu.

2. Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mây tre đan của xã Nà Tấu tại Hội chợ xúc tiến thương mại
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mây tre đan của xã Nà Tấu tại Hội chợ xúc tiến thương mại

Bên cạnh đó, nông dân xã Nà Tấu còn tích cực tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; thực hiện duy trì, nhân rộng các nhóm nông dân cùng sở thích để hỗ trợ nhau về giống, kinh nghiệm sản xuất. Bà con được hướng dẫn thực hiện các mô hình “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn”, “Mô hình xóa đói giảm nghèo đặc thù”. Đồng thời được hỗ trợ về vốn, giống vật nuôi, vật tư nông nghiệp; được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn; được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản... Từ đó giúp các nông hộ mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi phương thức sản xuất và cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Đến xã Mường Phăng hỏi mua dâu tây, ở đây ai cũng biết và chỉ tới vườn dâu của anh Hoàng Dán. Từ tư duy dám nghĩ dám làm, anh Hoàn Dán đã mua giống dâu tây lên trồng ở vùng có nhiệt độ cao như Điện Biên. Nhờ biết cách ứng dụng khoa học kĩ thuật, trang trại 2ha dâu tây của anh Dán đã cung cấp quả dâu tây cho toàn thị trường thành phố Điện Biên Phủ và vùng lân cận. Từ thu hoạch dâu tây, mỗi năm, gia đình anh Hoàng Dán có thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng.

Người dân tham gia chăm sóc, thu hoạch dâu tây tại xã Mường Phăng
Người dân chăm sóc, thu hoạch dâu tây tại xã Mường Phăng

Anh Hoàng Dán cho biết, trồng dâu tây cho thu nhập cao gấp khoảng 3 lần so với trồng lúa trước đây. Anh cũng hỗ trợ cho một số hộ dân trong xã trồng, thu hoạch dâu tây, cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Hiện, anh đang mạnh dạn trồng thử nghiệm khoảng 2000m2 nho hạ đen từ giữa năm 2023. Nếu thành công, đây sẽ là cây trồng được anh mở rộng phát triển trong những năm tới.

Bằng nhiều nỗ lực xoá đói, giảm nghèo, ngày càng có nhiều hộ đồng bào DTTS tại 4 xã vùng ven của thành phố Điện Biên Phủ vươn lên thoát nghèo, góp phần vào thành quả giảm nghèo của thành phố và toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, thành phố Điện Biên Phủ là đơn vị có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh Điện Biên. 

Tin cùng chuyên mục
Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Nhiều dấu ấn qua một năm hoạt động sản xuất kinh doanh

Tổng công ty Điện lực miền Bắc: Nhiều dấu ấn qua một năm hoạt động sản xuất kinh doanh

Năm 2024, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, GDP cả nước tăng khoảng 6,5% - 7%; trong đó khu vực miền Bắc đạt mức tăng trưởng cao. Các khách hàng CNXD lớn phục hồi sản xuất, tiếp tục mở rộng, nâng công suất trong năm 2024, theo đó nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện của EVNNPC cũng gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, EVNNPC đã chủ động lập phương án các kịch bản cung ứng điện ngay từ những ngày đầu năm 2024 nên đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của phụ tải phục vụ sản xuất kinh doanh của khách hàng Nhân dân trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc.