Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thành phố Kon Tum quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các thôn, làng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn

Ngọc Chí - 15:52, 27/05/2025

Thành phố Kon Tum hiện có 60 thôn, làng đồng bào DTTS; trong đó, có 20 thôn, làng đặc biệt khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), những năm qua, thành phố Kon Tum đã quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các thôn, làng đặc biệt khó khăn. Các công trình được đầu tư đưa vào sử dụng đã mang lại những lợi ích thiết thực, giúp người dân phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Những công trình ý nghĩa

Trong không khí vui mừng, phấn khởi, đồng bào Ba Na – nhánh Rơ Ngao ở làng Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum tấu lên những bài chiêng trầm hùng, những điệu xoang uyển chuyển chào mừng khánh thành Nhà rông mới của làng. Công trình trùng tu Nhà rông văn hóa làng Kroong Klah được đầu tư với kinh phí hơn 200 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, hơn 30 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp và 510 ngày công của dân làng.

Đồng bào Ba Na – nhánh Rơ Ngao ở làng Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum trình diễn cồng chiêng, múa xoang mừng khánh thành nhà rông mới
Đồng bào Ba Na – nhánh Rơ Ngao ở làng Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum trình diễn cồng chiêng, múa xoang mừng khánh thành Nhà rông mới

Ông A Phí, Thôn trưởng làng Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum phấn khởi cho biết: Công trình Nhà rông văn hóa của thôn đã được trùng tu hoàn chỉnh, đảm bảo an toàn, bền vững và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, còn đầu tư các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao lắp đặt trong khuôn viên nhà rông. Công trình hoàn thành không gian sinh hoạt cộng đồng được cải thiện, sạch sẽ, thoáng mát, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, tạo động lực giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng cường tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Làng Đăk Krăk, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum có 89 hộ, 468 khẩu, 100% là đồng bào DTTS. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, làng đã được đầu tư 4 tuyến đường bê tông, 2 hệ thống mương thoát nước, 1 giếng khoan và hệ thống cấp nước đặt tại nhà rông của làng. Các công trình được đầu tư, bàn giao đưa vào sử dụng không chỉ làm thay đổi diện mạo làng Đăk Krăk mà còn giúp người dân có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Công trình nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã giúp cho đồng bào DTTS ở làng Đăk Krăk, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum đảm bảo nguồn nước để sử dụng trong mùa khô
Công trình nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 đã giúp cho đồng bào DTTS ở làng Đăk Krăk, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum đảm bảo nguồn nước để sử dụng trong mùa khô

Chị Y Bún, làng Đăk Krăk, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum chia sẻ: Ở đây, vào mùa khô thì xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ, vì vậy khi có giếng khoan và hệ thống cấp nước tập trung thì người dân không còn lo lắng nữa, lúc nào cũng có nước để dùng, nước sạch đảm bảo vệ sinh.

Chị Y Nếp, Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng làng Đăk Krăk, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum cho biết: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, làng Đăk Krăk hôm nay khoác lên mình chiếc áo mới, đồng bào DTTS nơi đây tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống ấm no, sung túc. Năm 2024, làng đã được công nhận đạt chuẩn Làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.

Thay đổi diện mạo thôn, làng đặc biệt khó khăn

Thực hiện Tiểu dự án 1 “về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, thuộc Dự án 4, Chương trình MTQG 1719, với nguồn vốn hơn 14 tỷ đồng, từ năm 2022 đến nay, thành phố Kon Tum đã đầu tư xây dựng hơn 40 công trình, gồm: Đường giao thông, điện thắp sáng, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa thôn, trường lớp học… Các công trình được đầu tư đưa vào sử dụng đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển của các thôn, làng đặc biệt khó khăn địa bàn thành phố Kon Tum.

Đường bê tông đi khu sản xuất thôn Plei Chum Đăk Chõa, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 giúp đồng bào DTTS thuận lợi trong quá trình vận chuyển nông sản
Đường bê tông đi khu sản xuất thôn Plei Chum Đăk Chõa, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 giúp đồng bào DTTS thuận lợi trong quá trình vận chuyển nông sản

Chị Y Lãnh, Thôn trưởng thôn Plei Chum Đăk Chõa, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum cho biết: Qua quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 thì hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, trường học, nhà văn hóa thôn được đầu tư nâng cấp, từng bước đồng bộ và hiện đại; cảnh quan môi trường thôn được cải thiện khang trang, sáng - xanh - sạch đẹp hơn. Đặc biệt, đường bê tông đi khu sản xuất đã giúp người dân đi lại thuận tiện, không còn lầy lội như trước, người dân rất phấn khởi.

Cùng với đó, từ năm 2022 đến nay, thành phố Kon Tum đã đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 128 hộ ở các thôn, làng đặc biệt khó khăn. Qua đó, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS được tiếp cận với nguồn nước sạch hợp vệ sinh để sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Kroong, thành phố Kon Tum chia sẻ: Chương trình MTQG 1719 đã giúp xã có nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, như hệ thống điện chiếu sáng, bây giờ các trục đường chính của 2 thôn đồng bào DTTS đều có điện sáng, bà con rất phấn khởi; các đường nội thôn, đường đi khu sản xuất cũng được đầu tư xây dựng mới; công trình nước sinh hoạt đảm bảo nước sạch cho bà con. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong sinh hoạt và sản xuất, diện mạo các thôn ngày càng khởi sắc.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, thành phố Kon Tum đã đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng đặc biệt khó khăn
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, từ năm 2022 đến nay, thành phố Kon Tum đã đầu tư 4 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, làng đặc biệt khó khăn

Ông Nguyễn Bảo Thịnh, Phó Trưởng phòng Dân tộc và Tôn giáo thành phố Kon Tum cho biết: Các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng đầu tư cho các thôn, làng đặc biệt khó khăn được thực hiện công khai, từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch, nghiệm thu kết quả thực hiện và đưa vào sử dụng đều được thông báo để cộng đồng biết, giám sát. Sau khi đưa vào sử dụng thì người dân rất phấn khởi, chưa có ý kiến phản hồi gì, người dân cũng tự giác bảo vệ để công trình được sử dụng lâu dài.

Nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 bước đầu đã tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các thôn, làng đặc biệt khó khăn của thành phố Kon Tum. Đến nay, 100% đường giao thông đến các thôn, làng đồng bào DTTS được đầu tư nâng cấp, 99% hộ dân được sử dụng điện trong sinh hoạt, 98% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ học sinh đồng bào DTTS đến trường giữ tỷ lệ trên 95%... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để thúc đẩy giảm nghèo nhanh vùng đồng bào DTTS

Sơn La: Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để thúc đẩy giảm nghèo nhanh vùng đồng bào DTTS

Với tỷ lệ dân số là đồng bào DTTS cao, có nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉnh Sơn La xác định công tác tuyên truyền, vận động là một giải pháp then chốt để “về đích” các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng-an ninh. Các hoạt động này được triển khai với các hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm từng địa phương và cộng đồng.