Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Tháo gỡ điểm nghẽn, giúp thị trưởng bất động sản phát triển lành mạnh

Hoàng Quý - 14:20, 31/10/2023

Sáng 31/10, trong phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương): Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển trong bối cảnh thị trường bất động sản nhiều khó khăn

Đóng góp ý kiến về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu cho biết, đối với Điều 23, cần quy định theo phương án cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc theo thỏa thuận với khách khi dự án có thiết kế cơ sở và được cơ quan nhà nước thẩm định, chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Theo Đại biểu quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ đầu tư phát triển hơn, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư dự án cần kinh phí không nhỏ, cho phép chủ đầu tư thu tiền đặt cọc sớm sẽ giúp chủ đầu tư phần nào có thêm nguồn vốn để tái đầu tư, góp phần gia tăng cơ hội, thu hút các khách hàng tiềm năng.

Dù phương án quy định này có thể đem đến nhiều rủi ro hơn đối với khách hàng, đại biểu nhấn mạnh, điều này cần được khắc phục bằng cách thắt chặt quản lý, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đặc biệt, ngay từ khâu xem xét, lựa chọn nhà đầu tư ban đầu, để đảm bảo năng lực và khả năng thực hiện dự án của nhà đầu tư. Việc hạn chế rủi ro như phương án 1 chỉ cho phép chủ đầu tư dự án bất động sản thu tiền đặt cọc khi nhà ở, công trình xây dựng có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh sẽ bó hẹp các cơ hội của doanh nghiệp, đi ngược lại việc khuyến khích, tạo cơ chế cho các doanh nghiệp phát triển.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định): Thống nhất đối tượng được quy định trong luật về một cấp hành chính

Theo đại biểu, hiện nay Quốc hội đang thảo luận và thông qua 3 luật là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đều quy định chung về dự án bất động sản phải xây nhà mới được chuyển nhượng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng tại kỳ họp trước, quy định này tại 3 luật không thống nhất.

Do đó, đại biểu đề nghị chỉ quy định nội dung này trong một luật, tránh trường hợp không thể sửa độc lập trong một luật khi cần thiết. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, nội dung quy định về việc cho phép xây nhà ở để kinh doanh chỉ nên quy định trong Luật Nhà ở hoặc Luật Kinh doanh bất động sản là phù hợp, luật khác khi còn áp dụng thì sẽ dẫn chiếu để tránh chồng chéo.

Tại khoản 7 Điều 30, theo đại biểu, quy định căn cứ theo loại đô thị như dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) là chưa có sự so sánh về tốc độ phát triển đô thị ở các địa phương, vì đô thị loại một, có nơi là các tỉnh, có nơi là cấp huyện. Quy định chung một nội dung cho nhiều loại đô thị sẽ xảy ra bất cập vì phường ở đô thị loại một sẽ khác xa rất nhiều so với xã ở đô thị loại ba.Nhưng quy định chung tất cả các dự án tại đô thị loại 3 phải xây dựng nhà ở để bán mà không bắt buộc đối với bất kỳ một dự án nào tại đô thị loại 4 là một bất cập.

Trong nội dung này vừa quy định loại đô thị vừa quy định loại cấp hành chính để áp dụng cho một nội dung cũng là chưa đồng bộ. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị đối tượng được quy định trong nội dung này cần thống nhất về một cấp hành chính là cấp xã, phường, thị trấn. Đô thị nào cũng cần phát triển các khu dân cư mới, ở các xã, thị trấn thì đối với một khu dân cư mới cần 5-10 năm hoặc lâu hơn để hình thành. Do đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị tùy vào mức độ phát triển đô thị bình quân chung của các đơn vị hành chính cấp xã mà quy định đơn vị hành chính cấp xã nào thuộc đơn vị hành chính cấp huyện nào thì dự án đó phải xây nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê xây dựng tối thiểu bao nhiêu phần trăm và sẽ được quy định cụ thể.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình): Đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi)

Đại biểu cũng cho biết, một số nội dung quan trọng và phức tạp của dự thảo luật tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, kinh tế vĩ mô của quốc gia, có liên quan đến nhiều dự thảo luật đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Để tránh chồng chéo, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn các quy định về kinh doanh bất động sản gắn với quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, để dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về các quy định cụ thể, đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm nội dung vào Điều 8 các hành vi bị cấm, theo đó, cần cấm các hoạt động kinh doanh bất động sản của các tổ chức, cá nhân đối với các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện về pháp lý, vì trong quá trình phòng ngừa đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ngành công an đã phát hiện, xử lý một số tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi kinh doanh, giao dịch các lô đất trúng đấu giá khi dự án, lô đất này chưa có đầy đủ thủ tục về pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị làm rõ quy định tổng vốn đầu tư tại điểm d khoản 2 Điều 9 để có cơ sở thực hiện, đảm bảo đúng quy định, thống nhất với quy định của Luật Đầu tư.