Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu

Minh Anh - 17:14, 25/04/2023

Ngày 25/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị

Những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục đạt các kỷ lục mới và là một trong các động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, bởi tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường và dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã tác động tiêu cực, bất lợi đến mọi mặt của hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, thì dù đã đạt được những kết quả tương đối tích cực trong năm 2022, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong các tháng đầu năm 2023 đã có dấu hiệu sụt giảm.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2023 có sự hồi phục, ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng xuất khẩu tháng 3 vẫn giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm trước, do những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu… Tính chung quý I/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 14,4%). Có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại song phương, đa phương nhằm thuận lợi hóa thương mại để thúc đẩy sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một số nước phát triển đã dựng lên các rào cản kỹ thuật như chuyển đổi năng lượng xanh sạch, sản xuất Cacbon thấp… Tất cả những chính sách này mới nghe có vẻ rất nhân văn, nhưng đây là "luật chơi mới" trong cuộc đua không cân sức, bởi những nước phát triển đã đi trước chúng ta rất xa, có điều kiện hơn chúng ta rất nhiều.

Trong bối cảnh như vậy, người sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp trong nước là những đối tượng chịu sự tác động nhiều nhất.

“Nếu chúng ta không kịp thời tìm những giải pháp để tháo gỡ, thì khó có thể đạt được mục tiêu cho năm nay và cho cả chu kỳ 5 năm, 10 năm tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian vừa qua Chính phủ, bộ ngành, địa phương đã có nhiều cuộc gặp đối thoại với doanh nghiệp, hay đẩy mạnh cải cách hành chính, cố gắng làm thế nào đó để tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt Chính phủ cũng có rất nhiều chỉ đạo, có nhiều Công điện và Chỉ thị để đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư. Trong đó có Công điện số 238 ngày 10/4/2023 về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, nhiều địa phương trong đó có những địa phương được xem là đầu tàu, là động lực của nền kinh tế đất nước lại có mức độ tăng trưởng thấp như TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7%. Như vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước cũng như nhiều địa phương trong cả nước thấp hơn so với kế hoạch và thấp xa so với cùng kỳ năm trước.

Tại Hội nghị, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng kinh doanh, xuất khẩu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới.

Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), kiến nghị: Trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại; trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương.

Đồng thời, có gói vay ưu lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động như: Gói vay mà ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện trong giai đoạn Covid-19 để giúp doanh nghiệp phần nào giảm áp lực tài chính để trả lương cho người lao động, giữ chân lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Đối với gói vay này, áp dụng cho những doanh nghiệp nào có phương án trả nợ tốt, những doanh nghiệp đã chấp hành đúng và đã hoàn trả xong khoản vay vừa rồi và có đợt này có thể nâng lên 6 tháng lương cơ bản thay vì 3 tháng lương như vừa qua vì sự khó khăn lúc này cũng không khác gì so với gián đoạn Covid-19 vừa rồi.

Theo ông Tùng, để phù hợp với chiến lược của ngành mà Chính phủ đã phê duyệt đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, cần hỗ trợ một phần tài chính và chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hoá như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hoá chất ... (ESG), chuyển đổi số trong ngành dệt may để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển và sản xuất nguyên liệu, đặc biệt là khâu vải hoàn tất. Bên cạnh đó cần giảm thuế TNDN 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh và hỗ trợ lãi suất cho các dự án chuyển đổi xanh.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu phát biểu tại Hội nghị
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Hoài Nam kiến nghị cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền không bị nghẽn. Vì nguồn tiền không có song doanh nghiệp vẫn phải duy trì thu mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý, để nông ngư dân duy trì việc sản xuất. Đây chỉ là giải pháp mang tính giai đoạn nhưng rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đối với ngành hàng gạo, dù đạt nhiều kết quả ấn tượng song hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, người dân chưa tương. Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo do các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo.