Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Thắp” đam mê văn hóa đọc chốn non sâu

PV - 10:25, 19/07/2019

Từ thuở lên 10, Nguyễn Bá Nha (sinh năm 1987, hiện ở thôn Nguyên Hà, Sơn Nguyên, Sơn Hòa, Phú Yên) vừa học vừa rong ruổi qua hàng trăm lũng đồi ở Tây Nguyên làm nghề chăn bò thuê. Hết trung học cơ sở, Nha cặm cụi tập viết báo, làm thơ và đến nay luôn cháy bỏng đam mê sưu tầm các loại sách, báo đưa về vùng sâu, lan tỏa văn hóa đọc, nhân lên những điều cao cả.

Nguyễn Bá Nha (đứng bên trái) nhận sách cho thư viện cộng đồng Nắng Mai. Nguyễn Bá Nha (đứng bên trái) nhận sách cho thư viện cộng đồng Nắng Mai.

Vượt mọi nghịch cảnh

Lặng lẽ lắng nghe trong nhiều cuộc trò chuyện với Nha, tôi cảm nhận sâu sắc, rõ ràng, nỗi trăn trở với cộng đồng, với văn hóa đọc và vấn đề bảo vệ sức khỏe, nét đẹp truyền thống… như kho dữ liệu sống động luôn thường trực trong ý nghĩ của anh, chạm vào là tuôn ra ào ạt.

Nhiều đêm khuya vắng, tìm được đề tài hay, nhân vật thú vị, Nha lại nhắn tin chia sẻ trong niềm hân hoan, rạng rỡ, rồi chốt lại “thấy người khác hy sinh vì cộng đồng mà không viết để động viên, có cuốn sách hay mà không chuyền tay cho mọi người cùng đọc thì day dứt lắm”.

Nhìn thư viện Nắng Mai do chính Nha lập nên tại xã Sơn Nguyên với hơn 2.000 cuốn sách mua và quyên góp được cùng gần 200 tác phẩm báo chí do chính mình viết, ký ức năm tháng cũ lại ùa về. Nha định nghĩa: “Hạnh phúc chính là đi qua nhọc nhằn và viết vì người khác. Viết để đời sống đẹp hơn, nhân từ, bác ái hơn”.

Nguyên quán ở Bình Định nhưng vì điều kiện khó khăn, tuổi thơ của Nha buổi đến lớp, buổi đi chăn bò thuê trên các cung đèo ở Mang Yang (Gia Lai). Nhớ lại, Nguyễn Bá Nha chia sẻ: 13 tuổi đã thấm cảnh nắng cháy, mưa tuôn. Ký ức sâu đậm nhất của tuổi thơ là những quả đồi trọc trụi, những thảo nguyên mênh mông, những đứa trẻ thiếu sách, những xóm làng còn nghèo nhưng đậm đầy nghĩa tình. Tất cả tôi ghi chép lại dưới dạng nhật ký. Sau này, trên sườn ấy sáng tạo cả thành thơ hay chuyển thể thành các bài ký. Nhọc nhằn là vậy nhưng năm nào cũng đứng đầu lớp. Hết lớp 9, sức khỏe cha mẹ yếu nên Nha quyết định nghỉ học đi làm đủ thứ việc ở Đăk Lăk, Kon Tum để kiếm tiền phụ gia đình và học thêm nghề thợ hàn.

Giải tỏa bớt nhọc nhằn, bồi đắp thêm niềm tin yêu cuộc sống, những lúc giải lao hay đêm vắng, Nha lại đi tìm mượn những cuốn sách về Kĩ năng sống, về văn hóa và lịch sử, về những tấm gương bình dị để đọc. Đến đâu, gặp điều gì gây xúc động, Nha đều tập viết thành bài báo.

Sau này, khi lập gia đình, có hai đứa con, khát vọng viết và lan tỏa văn hóa đọc lại trỗi dậy mạnh mẽ, Nha đăng ký học và tốt nghiệp THPT với điểm cao, được xét thẳng vào ngành Văn hóa và ngôn ngữ báo chí (ĐH Thái Bình Dương) năm 2016. Nguyễn Bá Nha thổ lộ: Đã đến lúc mình phải hiện thực hóa dần khát vọng thôi. Những ý tưởng cứ thôi thúc dữ dội lắm. Nhất là mỗi lần đi làm ruộng về lại thấy rất nhiều trẻ em nông thôn vùi đầu vào game, vào các trò chơi vô bổ khác, nhất là ngày hè. Phải có thư viện cho các em thôi…

Luôn đầy ắp các ý tưởng

Là sinh viên “già” nhất lớp đồng thời là người giành mức học bổng cao nhất trường, hàng loạt phương pháp học trải nghiệm của Nha được đông đảo bạn bè áp dụng. Các bài viết của Nha cũng liên tục đăng, phát trên hàng chục báo, đài. Hầu hết nhuận bút anh tích cóp lại để mua sách, không phải cho mình.

Sợ độc giả ở các vùng quê sẽ buồn khi đến các thư viện do mình lập nên mà ít sách quá, hằng đêm Nha tranh thủ đi làm bảo vệ. Anh phân chia rõ ràng, một phần lương cho vợ nuôi con, một phần cho mua gạch, gỗ làm thư viện, một phần để mua sách. Khi có hàng ngàn cuốn sách các loại, Nha chính thức xin chính quyền địa phương cho phép lập thư viện cộng đồng đầu tiên.

Như vừa đi qua một quãng đường đầy nhọc nhằn và hạnh phúc, Nha hồ hởi: Ban đầu nhiều người bảo tôi khùng khi đi làm thêm thâu đêm, cuối tuần thì cuốc đất, bốc đá và còn bao nhiêu tiền để làm thư viện cộng đồng. Nhưng không làm điều đó thì tôi lại thấy đời sống mình không trọn vẹn hạnh phúc và ý nghĩa. Tôi đặt tên thư viện là Nắng Mai là sự khởi đầu của ngày mới, mang ánh sáng tri thức về với cộng đồng. Chuyển tải những lý tưởng, những giá trị văn hóa, nâng cao hiểu biết, nhận thức, tư duy, kinh nghiệm cho mọi thế hệ từ học sinh đến người cao niên ở những nơi gian khó nhất. Sau thư viện này, tôi sẽ tiếp tục vận động, tiết kiệm để làm thư viện ở các vùng quê khác nữa.

Mới bước vào vận hành không lâu nhưng thư viện cộng đồng Nắng Mai của Nha thu hút hàng trăm người mỗi ngày. Các tủ sách được phân chia rất khoa học. Đồng cảm với chồng, vợ Nha là người hướng dẫn và phục vụ miễn phí tận tình cho độc giả. Mỗi dịp cuối tuần, Nha lại tranh thủ về hướng dẫn người khiếm thị dùng sách chữ nổi và lặn lội đến những nơi còn gian nan nhất để viết báo. Nha bảo: Không biết tự bao giờ, nhưng: Những người ngã xuống vì đất nước, những cô giáo, thầy thuốc hy sinh tuổi xuân bám trụ ở nơi đèo cao, dốc thẳm, những người lặng thầm chịu khổ để sáng tạo ra các loại máy móc có lợi cho nông dân, những di tích lịch sử… Có sức hút rất mạnh với tôi. Có thể say sưa viết mãi về điều đó mà không biết chán.

Vừa chạy nước rút cho ý tưởng nhân rộng thư viện cộng đồng đến vùng DTTS, Nguyễn Bá Nha còn vạch ra nhiều mục tiêu khác như; Lập cộng đồng sách sinh viên (xây dựng tủ sách cộng đồng của các thế hệ sinh viên ở đô thị); Lập ngôi nhà tri thức xanh Phú Yên (tập hơn những người yêu rừng, yêu môi trường để đi tuyên truyền); Lập câu lạc bộ văn hóa (để thu hút những người yêu văn hóa để chia sẻ, sáng tạo và xây dựng xã hội học tập).

Vì sức khỏe cộng đồng

Dõi theo những việc làm của Nguyễn Bá Nha, ông Nguyễn Công Thành (trưởng thôn Nguyên Hà, xã Sơn Nguyên) thán phục: Nha là một cây viết đặc biệt với chúng tôi. Từ chăn bò đến thợ hàn đến nông dân vươn lên thoát nghèo và sắp làm cử nhân. Không chỉ mê kéo người dân đến với sách, báo mà nhà nào có hoạn nạn là anh có mặt.

Đi từ ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác, TS. Mai Thị Kiều Phượng-Giảng viên ĐH Thái Bình Dương cũng chia sẻ: Đọc các tác phẩm báo chí của Nha đã được đăng thấy ở anh niềm đam mê và lòng trăn trở rất lớn với cộng đồng, với nơi gian khó. Nha luôn có góc nhìn trực quan, tư duy phong phú, sâu sắc. Gần đây, anh là “cha đẻ” của một số đề tài nghiên cứu sơ khảo về văn hóa bản sắc các dân tộc trên Tây Nguyên.

Luôn đặt mình trong nỗi lo âu những giá trị tốt đẹp sẽ phôi phai, những việc làm xấu tác hại đến cộng đồng nên trước khi bước chân vào giảng đường đại học, Nguyễn Bá Nha lưu lại nhiều mô hình, sáng chế hay, độc đáo cho địa phương. Nha tâm tình: Môi trường có tác động rất quan trọng đến sức khỏe con người. Đi thực tế nơi để viết báo, tôi rất ám ảnh với tình trạng ô nhiễm nên đã phác thảo đề án và sáng tạo Máy quạt làm mát môi trường không khí tự nhiên (đoạt giải Ba, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên năm 2015; rồi mô hình “Bếp tiện ích” do Nha chế tạo và nhân rộng bán cho bà con thu nhập thấp, người nghèo cũng đoạt giải Ba-Hội thi sáng tạo kỹ thuật Phú Yên năm 2013…

Một chân trời mới với khát vọng viết nên những điều cao đẹp, những số phận thiệt thòi đang rộng mở với Nha sau những chông gai. Và, mới đây, anh còn sẻ chia niềm vui khi Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phạm Đại Dương đã đến thư viện cộng đồng Nắng Mai tặng máy tính cho thư viện, tặng nước suối, trà cho các độc giả sử dụng đồng thời động viên tinh thần vì cộng đồng và đam mê viết, sáng tạo của Nha.

HÀ VĂN ĐẠO

Tin cùng chuyên mục
Sinh lời an toàn, hiệu quả cùng trái phiếu BAC A BANK phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1

Sinh lời an toàn, hiệu quả cùng trái phiếu BAC A BANK phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1

Đón đầu cơ hội khởi sắc trên thị trường trái phiếu ngân hàng đầy tiềm năng, từ ngày 27/05/2024, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) chính thức chào bán 20 triệu trái phiếu phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1, với tổng giá trị chào bán 2.000 tỷ đồng.