Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị từ những mô hình kết nghĩa bản – bản

Mạnh Cường- Việt Thanh - 17:46, 18/09/2023

Những năm gần đây, từ những mô hình kết nghĩa bản - bản dọc tuyến biên giới, từ sự thăm thân, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau giữa Nhân dân hai bản, hai quốc gia đã góp phần nhân thêm tình hữu nghị tốt đẹp “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An (Việt Nam) và tỉnh Hủa Phăn (Lào) ký biên bản hợp tác giai đoạn 2023-2025.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An (Việt Nam) và tỉnh Hủa Phăn (Lào) ký biên bản hợp tác giai đoạn 2023-2025.

“Những cái bắt tay” trên dãy Trường Sơn

Nghệ An là một trong những tỉnh rộng, có chung đường biên dài 468km với nước bạn Lào. Điểm sáng trong quan hệ hữu nghị của Nghệ An với nước bạn Lào là những quan hệ hữu hảo giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Kỳ Sơn với các dân tộc Lào anh em. Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe cho biết: Trong 21 xã, thị trấn của huyện Kỳ Sơn thì có 11 xã có chung đường biên giới với 4 huyện thuộc 3 tỉnh của nước bạn Lào, gồm: huyện Viêng Thoong, tỉnh Bô Ly Khăm Xay; các huyện Noọng Hét, Mường Mọc tỉnh Xiêng Khoảng và huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn. Với đặc thù về vị trí địa lý và chiều dài tuyến biên giới 203,409km, huyện Kỳ Sơn được ví như “cánh cửa” ngoại giao quan trọng.

Ký kết biên bản kết nghĩa bản - bản ở Nghệ An.
Ký kết biên bản kết nghĩa bản - bản ở Nghệ An.

Tính đến nay, ở Nghệ An đã có 21 cặp bản - bản hai bên biên giới và 8 cặp Đồn Biên phòng - Đại đội Biên phòng với các đại đội, trạm công an với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, BôLyKhămXay kết nghĩa với nhau.

Quảng Trị cũng là địa phương ở vùng Trung Bộ có nhiều mô hình kết nghĩa bản - bản ra đời. Đây là tỉnh có đường biên giới đất liền với nước bạn Lào dài trên 187km, bao gồm 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Trong những năm qua, mô hình kết nghĩa bản - bản được triển khai với nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc giữ vững bình yên vùng biên giới Việt - Lào.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Thực tế thì, mô hình kết nghĩa bản - bản ở Quảng Trị được triển khai từ năm 2005. Đến nay, tỉnh đã có 25/25 cặp bản kết nghĩa với 2 tỉnh Savanakhet và Salavan (Lào). Các mô hình kết nghĩa bản - bản mang lại rất nhiều hiệu quả, ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn trong việc góp phần gìn giữ, vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp, giữ vững an ninh biên giới, an toàn quốc gia giữa hai bên.

Trưởng bản A Dơi Đớ (Hướng Hóa, Quảng Trị, Việt Nam) và Tân Du (Sa Muồi, Xa La Van, Lào) ký kết quy chế kết nghĩa
Trưởng bản A Dơi Đớ (Hướng Hóa, Quảng Trị, Việt Nam) và Tân Du (Sa Muồi, Xa La Van, Lào) ký kết quy chế kết nghĩa

Ở Hà Tĩnh, từ năm 2014, cũng đã có mô hình kết nghĩa giữa UBND xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn và bản Na Pê, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào). Tình nghĩa 2 bản, 2 địa phương đã trải qua 9 năm càng thêm bền chặt, gắn kết. Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, hai bên đã có nhiều hoạt động chung như tuần tra, kiểm soát, hỗ trợ nhau về thông tin liên lạc, kiểm soát người qua lại.

Trên đỉnh Trường Sơn lộng gió, mô hình bản - bản kết nghĩa chính là quân và dân hai bản, hai đất nước, hai dân tộc đang bắt tay nhau vì một nền hòa bình, độc lập và thịnh vượng.

Nhân thêm tình hữu nghị

Từ hoạt động kết nghĩa bản - bản, các địa phương đã có cơ hội để thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tại các thôn, bản. Từ đó, góp phần phòng, chống di cư tự do; buôn bán, vận chuyển các chất ma túy qua biên giới và các vi phạm khác.

Đồn Biên Phòng Hướng Lập (BĐBP Quảng Trị) tặng gạo và nhu yếu phẩm cho lực lượng bảo vệ biên giới và bà con Nhân dân bản A via - Lào
Đồn Biên Phòng Hướng Lập (BĐBP Quảng Trị) tặng gạo và nhu yếu phẩm cho lực lượng bảo vệ biên giới và bà con Nhân dân bản A via - Lào

Điều rất đáng ghi nhận, từ hoạt động kết nghĩa, hai bên cũng đã thường xuyên hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội .Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tạo mối đoàn kết giữa các cặp bản kết nghĩa hai bên biên giới.

Điển hình như ở tỉnh Quảng Trị. Sau 16 năm kết nghĩa, bản Ka Tiêng, Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị (Việt Nam) và bản A Via, Cụm bản La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào) đã phối hợp với các lực lượng tổ chức 12 buổi gặp mặt, làm việc trực tiếp với các hộ gia đình liên quan đến 3 vụ xâm canh quanh khu vực mốc 591, 592; hỗ trợ nhau 2.000 cây giống và hỗ trợ tìm kiếm nhiều đàn dê, bò bị thất lạc. Đã tổ chức 52 đợt với 780 lượt người dân tham gia cùng lực lượng chuyên trách của mỗi bên tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia…

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tự hào: Thông qua mô hình kết nghĩa bản - bản, Nhân dân biên giới có điều kiện để giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Về phía tỉnh Quảng Trị, đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt việc kết nghĩa với các bản của nước bạn Lào. Tích cực trao đổi thông tin, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và đường biên mốc giới của mỗi nước. Từ đó, xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

Sau 9 năm kết nghĩa giữa UBND xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn và bản Na Pê, huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay (Lào), điều nhận thấy rất rõ là cả 2 địa phương thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của mỗi nước, nhất là về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, hiệp định, quy chế biên giới cho Nhân dân. Bằng các hình thức, phương pháp tuyên tuyền phù hợp, giúp Nhân dân hiểu đầy đủ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc kết nghĩa các cụm dân cư giáp biên giới, từ đó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ở khu vực hai bên biên giới.

Lực lượng chức năng và Nhân dân 2 nước Việt - Lào chụp hình lưu niệm tại cột mốc biên giới 476 trên đỉnh Keo Nưa, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)
Lực lượng chức năng và Nhân dân 2 nước Việt - Lào chụp hình lưu niệm tại cột mốc biên giới 476 trên đỉnh Keo Nưa, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh)

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, qua mô hình kết nghĩa bản -bản, người dân hai bên đã cung cấp hàng nghìn tin có giá trị liên quan đến tội phạm, buôn bán ma túy. Mô hình cũng góp phần giúp đỡ người dân hai bên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đồng thời, kịp thời giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; giúp nhau cấp cứu, khám chữa bệnh…

Ở các địa phương có mô hình kết nghĩa bản - bản, hai bên cũng đã thường xuyên tổ chức các hội nghị cấp cao thường niên, góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Hòa bình, ổn định trên tuyến biên giới Việt - Lào ngày càng được củng cố. Đó chính là những nỗ lực không mệt mỏi của quân và dân các bản vùng biên Việt Nam - Lào.