Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Già làng Y Mok Hra - Cột mốc sống nơi biên cương

Đỗ Long- Hoàng Thùy - 21:03, 15/09/2023

Hơn 40 năm tham gia bảo vệ biên giới, già Y Mosk Hra (SN 1958), buôn Drang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk không nhớ nổi đã bao nhiêu lần cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đi tuần tra biên giới. Mỗi lần được tự tay mình phát quang cỏ dại, cầm khăn lau bụi bám cột mốc biên cương, già đều cảm thấy trong lòng trào dâng cảm xúc. Với già, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.

Già Y Mosk (thứ 3 hàng bên phải) cùng Bộ độ Biên phòng và cán bộ chính quyền, Nhân dân xã Krông Na tuần tra bảo vệ biên cương
Già Y Mosk (thứ 3 hàng bên phải) cùng Bộ độ Biên phòng và cán bộ chính quyền, Nhân dân xã Krông Na tuần tra bảo vệ biên cương

30 năm bám rừng biên giới

Vườn Quốc gia Yok Đôn có nhiều cánh rừng giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, ngoài công tác bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm của Vườn còn có nhiệm vụ phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới.

Già Y Mosk, dân tộc Ê Đê chia sẻ, già làm cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Yok Đôn 30 năm nên thường xuyên phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đi tuần tra tất cả các ngóc ngách của Vườn. Từng cánh rừng già, những ngọn đồi cao và dòng suối sâu khu vực biên giới này già đều nắm rõ. “Mình thấy việc bảo vệ biên giới góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ rừng và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến tài sản của quốc gia. Ngược lại, việc tuần tra bảo vệ rừng cũng góp phần giữ gìn an ninh biên giới”, già Y Mosk nói.

Gắn bó với biên giới nhiều năm, già càng hiểu những vất vả, gian lao của người lính Biên phòng đang ngày đêm canh giữ biên cương của Tổ quốc. Vì vậy, già luôn tuyên truyền cho mọi người hiểu xây dựng, bảo vệ biên giới là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân.

Mong muốn tiếp tục được đóng góp công sức của mình bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, sau khi nghỉ hưu, già Y Mosk đã tự nguyện đăng ký tham gia tuần tra, bảo vệ biên cương cùng Bộ đội Biên phòng. Định kỳ hằng quý, già Y Mosk lại cùng với chính quyền, Nhân dân các dân tộc xã Krông Na và cán bộ, chiến sĩ Biên phòng băng rừng, lội suối tuần tra biên cương, mốc giới. Mỗi chuyến tuần tra, các thành viên tổ tuần tra cùng nhau phát dọn xung quanh cột mốc, lau chùi làm sạch cột mốc.

Già Y Mosk trực tiếp lau chùi cột mốc (Ảnh: Ngọc Lân)
Già Y Mosk trực tiếp lau chùi cột mốc (Ảnh: Ngọc Lân)

Già Y Mosk bảo: Cột mốc là tài sản vô giá của quốc gia và phân biệt rõ ràng ranh giới của hai nước Việt Nam - Campuchia. Được đặt chân đến cột mốc, ngắm nhìn hai chữ Việt Nam đỏ chót được khắc lên cột mốc, tôi tự nhủ với lòng mình sẽ tham gia giữ gìn chủ quyền lãnh thổ của guốc gia đến khi đôi chân không đi được nữa. Vì thế, mỗi lần đi già đều muốn tự tay lau chùi cột mốc và được chụp hình cùng cột mốc để mang hình ảnh đó về giới thiệu đến bà con trong các buổi tuyên truyền. Từ đó vận động bà con tích cực chung tay cùng Bộ đội Biên phòng và chính quyền bảo vệ biên giới.

Đầu tàu trong công tác bảo vệ biên cương

Buôn Drang Phốk nằm giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Đồng bào dân tộc Ê Đê, Mnông đã bám rừng sinh sống ổn định ở vùng đất này qua nhiều thế hệ. Hiểu được việc người dân tham gia bảo vệ biên cương, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự là đóng vai trò quan trọng, già Y Mosk không ngừng tuyên truyền, vận động bà con trong buôn tích cực chung tay bảo vệ từng đường biên, cột mốc của quốc gia. Nhờ đó đến nay, nhiều hộ gia đình, cá nhân buôn Drang Phôk đã đăng ký tham gia các mô hình bảo vệ đường biên, mốc giới, tham gia tuần tra cùng Bộ đội Biên phòng.

Theo già Y Mosk, đường tuần tra biên giới không phải ai cũng có thể đến và tự do đi lại. Già luôn nhắc nhở bà con khi đến cách cột mốc khoảng 150m thì tuyệt đối không được đến đường tuần tra biên giới khi chưa có sự đồng ý của cơ quan chức năng. Đồng thời, già tận tình chỉ rõ những đặc điểm nhận dạng khu vực biên giới để người dân biết. Nhờ đó, từ trước đến nay, buôn Drang Pốk không có người dân nào vi phạm pháp luật liên quan đến biên giới.

Sự nhiệt tình, năng nổ tham gia công tác bảo vệ an ninh khu vực biên giới của già Y Mok đã "truyền lửa" đến các thế hệ người dân trong buôn. Ngày càng có nhiều người dân trong buôn đăng ký tham gia đi tuần tra bảo vệ đường biên, mốc giới. Đến nay, buôn Drang Pốk có 29 hộ đăng ký tham gia đi tuần tra bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.


Không những tích cực tham gia các phong trào của địa phương, già Y Mosk còn tích cực chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế
Không những tích cực tham gia các phong trào của địa phương, già Y Mosk còn tích cực chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết: Xã Krông Na, huyện Buôn Đôn có hơn 46km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkuri (Campuchia). Toàn xã có 13 dân tộc cùng sinh sống ở 7 buôn, 1 thôn với 1.660 hộ, trong đó đồng bào DTTS chiếm 78% dân số của xã. Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo với nhiệm vụ tuyên truyền đến mọi tầng lấp Nhân dân hiểu rõ hơn về công tác biên phòng toàn dân, ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đặc biệt là phát huy vai trò của già làng, Người có uy tín để tập hợp, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ biên cương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân trong việc tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.

Đến nay, toàn xã có 11 tập thể, 212 hộ gia đình, 308 cá nhân đăng ký tham gia cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự thôn, buôn.

Tin cùng chuyên mục
Bước ra khỏi vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp

Bước ra khỏi vùng an toàn để làm chủ doanh nghiệp

Trong thời đại 4.0, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ người DTTS đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức ở những lĩnh vực mới mẻ. Với sự quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những nữ doanh nhân người DTTS đã tạo ra nhiều sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn lợi kinh tế cho doanh nghiệp, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho phụ nữ ở địa phương. Nữ doanh nhân Vương Thị Thương, dân tộc Tày ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ.