Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Thay đổi nhận thức, hành động để hạn chế tai nạn lao động

PV - 15:14, 07/05/2018

Sáng 6/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế và hàng trăm người lao động dự lễ phát động Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh lễ phát động. Ảnh: VGP/Đình Nam Quang cảnh lễ phát động. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Chủ đề của Tháng Hành động năm nay là “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.

Sau 18 năm tổ chức Tuần lễ quốc gia an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), năm 2017 là năm đầu tiên tổ chức Tháng Hành động về ATVSLĐ với hàng chục địa phương và hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cùng hàng triệu người lao động tham gia hưởng ứng rất tích cực sôi nổi trên khắp cả nước.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo sức khỏe người lao động. Các doanh nghiệp có ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) đã tăng cường đầu tư máy, thiết bị, đổi mới công nghệ để cải thiện điều kiện lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; thực hiện tốt các chế độ chính sách... Số lượng các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ ngày một tăng thêm.

Năm 2017 có khoảng gần 3 triệu thiết bị được kiểm định, gần 4 triệu người được huấn luyện ATVSLĐ; gần 5.500 cơ sở được quan trắc môi trường lao động với trên 900.000 mẫu; trên 2 triệu người được khám sức khỏe định kỳ, tăng gần 43% so với năm 2016. Số người lao động đạt sức khỏe loại I và loại II chiếm gần 70%.

Tần suất TNLĐ-BNN, trong giai đoạn 2011- 2016 đã giảm gần 5% so với giai đoạn 2006 - 2010 và tiếp tục giảm trong năm 2017.

Nhiều chính sách mới đã và đang được triển khai thực hiện theo quy định của Luật ATVSLĐ như chính sách hỗ trợ hoạt động phòng ngừa từ 10% số thu hằng năm trong Quỹ Bảo hiểm TNLĐ- BNN; hỗ trợ huấn luyện cho người lao động ở khu vực không có hợp đồng lao động; giảm mức đóng hằng tháng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN từ 1% xuống còn 0,5%, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước mỗi năm hơn 3.000 tỉ đồng và nhiều chính sách khác...

Các bộ, ngành thực hiện rà soát, đã và đang cắt giảm hơn 1.000 điều kiện kinh doanh và giảm hàng trăm thủ tục hành chính, đồng thời tích cực áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử ứng dụng trong công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và nhân dân; riêng Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa trên 64% điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực ATVSLĐ; cắt giảm 50% danh mục sản phẩm hàng hóa đặc thù về ATVSLĐ phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu chuyển sang hậu kiểm.

Bên cạnh kết quả đạt nêu trên, công tác ATVSLĐ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế khi năm 2017 trên toàn quốc vẫn còn xảy ra gần 9.000 vụ TNLĐ làm 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. So với năm 2016, số vụ TNLĐ ở khu vực có hợp đồng lao động tăng 2%, số người bị TNLĐ tăng hơn 1% nhưng số vụ TNLĐ chết người, số người chết do TNLĐ giảm hơn 6%.

Năm 2017, các cơ sở y tế phát hiện hơn 3.802 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, tăng hơn 500 trường hợp so với năm 2016. Số cơ sở quan trắc môi trường lao động còn ít, tỷ lệ mẫu quan trắc môi trường lao động vượt tiêu chuẩn cho phép là 6,4%; số người lao động khám sức khỏe định kỳ còn ít.

Nguyên nhân chính của các vụ TNLĐ do chủ quan của con người vẫn chiếm tới 60% như: Không có hoặc thiếu quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không bảo đảm an toàn; không có hoặc huấn luyện thiếu về ATVSLĐ; không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; vi phạm quy trình, quy chuẩn ATVSLĐ.

Công tác thống kê, báo cáo TNLĐ-BNN vẫn còn ít và chưa kịp thời, nhất là khu vực không có quan hệ lao động; công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, chưa đúng trọng điểm, việc xử lý các vi phạm còn chậm, ít truy cứu trách nhiệm hình sự với những vụ vi phạm nghiêm trọng về ATVSLĐ nên chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm.

Ảnh: VGP/Đình Nam Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải thay đổi từ ý thức, nhận thức đối với việc phòng ngừa TNLĐ-BNN, có những hành động cụ thể, thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch hành động cụ thể hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ; tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động; chú trọng mở rộng triển khai các hoạt động về ATVSLĐ tới cấp quận, huyện, xã, phường, trong khu vực không có quan hệ lao động, khu vực phi kết cấu, trong nông nghiệp và làng nghề nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân.

Sớm tổng kết và có hướng dẫn về mô hình ATVSLĐ phù hợp với từng ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quy mô doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN.

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tăng cường đầu tư, đổi mới sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến; rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại.

Người lao động cần tuân thủ đúng các nội quy, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ  năng làm việc an toàn; kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất ATVSLĐ để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.

Mục tiêu cao nhất là chăm lo và bảo vệ sinh mạng và sức khoẻ người lao động, an sinh của người dân, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội./.

Theo Chính phủ