Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Thấy gì từ các công trình nước sinh hoạt tập trung ở Tây Nguyên: Nhiều bất cập từ khâu đầu tư đến công tác quản lý, vận hành (Bài 2)

Lê Hường - 14:41, 15/06/2021

Xây dựng các công trình nước sinh hoạt tập trung trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa mục đích để người dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, đảm bảo sức khỏe, góp phần xây dựng nông thôn mới. Song việc phát huy hiệu quả các công trình cấp nước tập trung lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Giải pháp nào để khắc phục những bất cập trên?

Công trình nước sinh hoạt tập trung huyện Đức Xuyên, tỉnh Đắk Nông bỏ hoang nhiều năm
Công trình nước sinh hoạt tập trung huyện Đức Xuyên, tỉnh Đắk Nông bỏ hoang nhiều năm

Nguồn nước bẩn lấy làm nước sạch

Theo Chương trình 134, xã Ea Sin, huyện Krông Púk, tỉnh Đắk Lắk, được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 400 hộ đồng bào DTTS. Công trình do Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư, với tổng kính phí gần 1,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, nước màu đỏ và mùi tanh nên từ khi bàn giao công trình đã “đắp chiếu”; suốt nhiều năm nay người dân nơi đây vẫn đi gùi nước suối về dùng.

Bà H’Ngói Niê, ở buôn Cư Mtao cho biết: Ở đây giếng khoan, giếng đào nhà ai cũng bị nhiễm phèn nên bao năm qua, bà con lấy nước từ  suối, đập về sinh hoạt. Khi Nhà nước đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung, bà con ai cũng mừng. Vậy mà mới đưa vào sử dụng không bao lâu, nước bắt đầu có màu đỏ, mùi tanh, không dùng được nữa. Bà con trở lại lấy nước suối về sinh hoạt.

Tương tự, cả xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông chỉ có 1 công trình cấp nước tập trung, nhưng không phát huy hiệu quả vì nước bị nhiễm phèn. Ông Phạm Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết: Công trình cấp nước tập trung với 4 giếng khoan, nhưng 3 giếng không hoạt động vì bị nhiễm phèn, chỉ còn 1 giếng cung cấp nước cho bà con buôn Đắk Krai. Vì thế, nhiều năm qua, người dân 4 bon đồng bào DTTS của xã luôn bị thiếu nước vào mùa khô. Xã đã nhiều lần kiến nghị đến cấp trên, phòng ban chức năng, nghiên cứu tìm giải pháp giúp người dân địa phương thoát khỏi cảnh thiếu nước.

Trên thực tế, rất nhiều công trình ngưng hoạt động do xác định nguồn nước chưa phù hợp, thiếu nước vào mùa khô, chất lượng nguồn nước không đảm bảo; trong khi nhiều công trình không có, hoặc có hệ thống xử lý nước nhưng chưa đảm bảo yêu cầu, dẫn đến chất lượng nước không đảm bảo. Vì vậy, việc khảo sát, thẩm định nguồn nước khi chọn vị trí xây dựng công trình, cần được coi trọng, tránh trường hợp công trình không thể sử dụng sau khi bàn giao vì chất lượng nước không đảm bảo.

Người dân xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông thiếu nước sinh hoạt mùa khô
Người dân xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông thiếu nước sinh hoạt mùa khô

Quản lý lỏng lẻo

16 năm trước, người dân bon Bù Zấp, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, vui mừng khi được đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung, giúp bà con thoát khỏi cảnh "khát nước". Vậy nhưng, mới đưa vào vận hành được 2 năm, công trình bị hư hỏng, sau đó không hoạt động được. 

Do nhiều năm không sử dụng, cây cối mọc um tùm, nhiều hạng mục công trình gỉ sét, rêu mốc phủ đen. Bao nhiêu năm công trình hỏng, là bấy nhiêu năm người dân trở lại cảnh thiếu nước sinh hoạt hàng ngày.

Ông Điểu Phồn, nguyên Trưởng bon Bù Zấp, người trực tiếp vận hành công trình chia sẻ: "Bản thân tôi được giao nhiệm vụ vận hành công trình, nhưng tôi chỉ làm mỗi việc đóng, ngắt cầu giao điện".

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến công trình cấp nước tập trung bị bỏ hoang. Đầu tiên là, do có nhiều chủ đầu tư khác nhau, trong đó, nhiều chủ đầu tư chưa có chuyên môn, thiếu kiến thức chuyên môn ngay từ khi lập, phê duyệt dự án, thiết kế công trình. 

Bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành một số công trình chưa được chú trọng đúng mức, đội ngũ quản lý và vận hành không có chuyên môn; địa phương không có nguồn kinh phí bảo dưỡng công trình thường xuyên; nhiều công trình xây dựng ở khu vực không có điện, chất lượng nước không bảo đảm.

Theo ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Đắk Lắk, để phát huy hiệu quả các công trình nước sinh hoạt tập trung, cần phải thiết lập được cơ chế chuyên nghiệp. Việc đầu tư công trình tập trung nên khảo sát đúng quy mô, ít nhất 200 hộ và  lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS trong việc sử dụng nguồn nước;  đảm bảo duy trì hệ thống xử lý, cung cấp nước sạch.

Được biết, thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng chính sách, hỗ trợ đối với đồng bào DTTS khi sử dụng nguồn nước sạch. Theo đó, hộ đồng bào DTTS nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ sử dụng nước miễn phí 5 khối/tháng, nếu vượt quá sẽ tính tiền để bù vào chi phí vận hành, xử lý hệ thống nước sạch.

Ngoài ra, các công trình nước sinh hoạt cũng cần được đầu tư các thiết bị xử lý, làm sạch nguồn nước. Trước nay, các công trình nước sinh hoạt tập trung, chỉ dừng lại ở việc khoan, bơm nước lên bồn chứ chưa chú trọng xử lý nước.

Còn theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, để nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, gắn với các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, việc quan trọng cần làm là tổ chức lại cách thức quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

Theo đó, để khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tháng 3/2021 UBND tỉnh Đắk Nông đã giao 92 công trình cấp nước sinh hoạt cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông (Công ty thủy lợi) quản lý, vận hành. Sau khi tiếp nhận, Công ty Thủy lợi đã nhanh chóng rà soát, kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng các công trình để từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong việc khai thác, vận hành các công trình trên...

Qua đó có thể thấy, việc đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt thì dễ, nhưng quản lý vận hành sau đầu tư mới khó. Do đó, để các công trình nước phát huy hiệu quả cần phải kiểm kê lại toàn bộ tính hiệu quả của các công trình, từ đó, chuyển giao cho các đơn vị chuyên môn về nước sạch quản lý vận hành thì hiệu quả công trình mới được bền vững...

Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn từ cơ sở…

Dấu ấn từ cơ sở…

“Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS đã khá đầy đủ, vấn đề còn lại là ở việc thực thi. Do đó, khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, điều tôi quan tâm nhất là triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn, chính xác và khách quan…”. Chia sẻ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đầu tháng 4/2021, trong những ngày đầu khi Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chính là mục tiêu hàng đầu mà Người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc hướng tới. Bởi vậy, trong 3 năm qua, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong những chuyến công tác về cơ sở.