Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Sa Thầy (Kon Tum): Dự án 116 tỷ đồng xây dựng ì ạch, dân nghèo khát nước

Lê Phương – Huỳnh Đại - 11:34, 17/02/2021

Gần 4 năm trôi qua, Dự án cấp nước sạch, với tổng vốn đầu tư 116 tỷ đồng tại huyện miền núi Sa Thầy, tỉnh Kon Tum vẫn đang giẫm chân tại chỗ. Mặc dù, nhu cầu nước sạch đối với người dân nơi đây đang hết sức cấp bách, nhưng công trình vẫn đang thi công ì ạch và liên tục gia hạn, gây bức xúc trong dư luận và người dân trên địa bàn huyện.

Toàn cảnh Dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy vẫn còn nằm ngổn ngang.
Toàn cảnh Dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy vẫn còn nằm ngổn ngang.

Dân khát nước bên công trình trăm tỷ

Dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt vào năm 2017. Dự án thi có tổng mức đầu tư là 116 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư khắc phục hậu quả hạn hán là 90 tỷ đồng; và nguồn vốn địa phương là 26 tỷ đồng.

Được biết, công trình này do Ban Quản lý các dự án 98 làm chủ đầu tư, với công suất 5.100 m3/ngày, cấp nước sạch sinh hoạt cho hơn 27.641 hộ dân sinh sống tại thị trấn Sa Thầy và các xã như: Sa Bình, Sa Nhơn, Sa Nghĩa. Dự án được triển khai xây dựng trên diện tích khoảng 11,5ha, do Liên doanh Công ty cổ phần Trường Long - Công ty TNHH Tuấn Dũng - Công ty CP cầu đường New Sun thi công xây dựng.

Dự kiến Dự án  hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, đến thời điểm hiện tại, còn nhiều hạng mục của Dự án vẫn đang xây dựng dang dở. Bên trong Dự án, thiết bị nằm ngổn ngang.

Mỗi năm, mùa khô ở Kon Tum thường khắc nghiệt và kéo dài từ 6 - 7 tháng, năm nào người dân cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Trong khi, dự án do Nhà nước đầu tư kinh phí để xây dựng  nhưng không hiểu lý gì, tiến độ cứ ì ạch, kéo dài khiến người dân không khỏi  bức xúc. 

Trao đổi với phóng viên, ông A. L ở làng Kleng, thị trấn Sa Thầy cho biết: Vào mùa khô,  hàng ngày người dân phải xuống suối lấy nước về dùng. Các giếng đào ở khu dân cư hầu như đều cạn, dân chúng tôi cũng không thể nào đào vét, bởi đào xuống thêm là gặp đá bàn nên không thể nào đào được, mà có đào thì mạch nước là mạch ngang nên đào sâu cũng chẳng có nước. “Nhà nước đã bỏ tiền đầu tư, nhưng không hiểu sao đơn vị thi công lại cứ hẹn rày, hẹn mai, không biết khi nào người dân chúng tôi mới có nước sạch để dùng”, ông A.L, bức xúc nói.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Đình Huân, Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện Sa Thầy cho biết: Huyện là đơn vị thụ hưởng nên việc thi công chậm là do chủ đầu tư và do một số nguyên nhân khách quan như, dịch bệnh Covid-19; tình hình mưa bão thường xuyên xảy ra trên địa bàn nên việc chậm trễ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ông Huân cũng cho rằng, Ban Quản lý các dự án 98 cũng xây dựng chậm. Dự án này chậm cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn, đặc biệt là mùa khô đã đến.

Điệp khúc xin gia hạn

Sau nhiều năm thi công, Dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa thầy, huyện Sa Thầy vẫn đang dẫm chân tại chỗ. Trong khi đó, chủ đầu tư liên tục xin gia hạn thời gian thi công của Dự án.

Theo đó, ngày 11/3/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp ký văn bản số 72/UBND-HTKT, về việc gia hạn lần 2 tiến độ thực hiện hợp đồng gói thầu xây lắp và thiết bị thuộc Dự án cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy đến ngày 31/12/2020 là hoàn thành, bàn giao đi vào sử dụng. Tránh để xảy ra việc tiếp tục đề nghị xin gia hạn lần sau.

Tuy nhiên mới đây, ngày 23/12/2020, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục ký văn bản đồng ý cho phép chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án 98 tiếp tục xin gia hạn đến ngày 31/6/2021, thì công trình bàn giao đi vào sử dụng.

Việc liên tục trễ hạn rồi xin gia hạn, nhưng các ngành chức năng tỉnh Kon Tum không có biện pháp mạnh để hối thúc đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành Dự án, điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn, có hay không UBND tỉnh Kon Tum ưu ái quá mức cho chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án 98?!. Bên cạnh đó, dư luận cũng đang hoài nghi về năng lực của Liên doanh Công ty cổ phần Trường Long – Công ty TNHH Tuấn Dũng – Công ty CP cầu đường New Sun. 

Câu hỏi này dành lại cho các ngành chức năng huyện Sa Thầy và Tỉnh Kon Tum.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.