Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Thế giới có hơn 212 triệu ca mắc COVID-19

PV - 09:23, 23/08/2021

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 23/8/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 212.542.904 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.443.625 ca tử vong và 190.131.888 ca bình phục.

Mỹ thông báo kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 liều 3 cho toàn dân bắt đầu từ tháng 9 trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh. (Ảnh: AP)
Mỹ thông báo kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 liều 3 cho toàn dân bắt đầu từ tháng 9 trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh. (Ảnh: AP)

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 439.358 ca mắc và 7.986 ca tử vong mới vì đại dịch Covid-19. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 38.541.788 ca nhiễm COVID-19, trong đó 645.045 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là: Iran (36.419 ca); Anh (32.253 ca); Mỹ (27.460 ca); Nhật Bản (25.492 ca); Ấn Độ (25.420 ca); … Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Indonesia (1.030 ca); Mexico (847 ca); Iran (684 ca); Nga (762 ca); Ấn Độ (385 ca)…

Tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 54.199.655 ca mắc COVID-19, trong đó 1.159.762 ca tử vong. Hết ngày 23/8, châu lục này ghi nhận đã có thêm 101.253 ca nhiễm mới và 1.033 ca tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, Anh là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm mới COVID-19 nhất tại châu lục, với 32.253 ca. Nga ghi nhận số ca lây nhiễm mới nhiều thứ 2 trong khu vực, với 20.564 ca. Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, Nga lại là quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất vì COVID-19 tại châu lục, với 762 ca. Quốc gia này hiện nay cũng đang dẫn đầu châu Âu về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tính đến nay, Nga ghi nhận có 6.747.087 ca nhiễm COVID-19.

Châu Á hiện vẫn đang là tâm dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu lục này đã có tổng cộng 67.812.139 ca nhiễm và 997.858 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 235.954 ca mắc và 4.731 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á có 63.095.867 ca được điều trị khỏi; 242.826 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 41.533 ca bệnh nặng.

Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 22/8, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 25.420 ca mắc mới và 385 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 32.448.969 ca và 434.784 ca. Các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia, Philippines… lần lượt xếp sau Ấn Độ về mức độ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu Á.

Tại ASEAN, tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 9.326.908 người mắc COVID-19, trong đó 206.084 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Hiệp hội ASEAN có thêm 79.674 ca mắc COVID-19 và 1.726 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong ngày 22/8, khu vực ASEAN tiếp tục là nơi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19. Quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Malaysia với 19.807 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 1.555.093 ca. Malaysia cũng ghi nhận 232 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 14.168 người. Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 19.014 ca. Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 1.049.295 ca mắc COVID-19. Số ca mắc ở Thái Lan đang có xu hướng giảm dần sau khi đã qua đỉnh dịch. Philippines đứng thứ 3 ASEAN về ca mắc trong ngày 22/8 với 16.044 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 1.839.635 ca.

Cũng trong ngày 22/8, có 6 quốc gia ghi nhận số ca tử vong mới gồm: Indonesia (1.030 ca), Thái Lan (233 ca), Malaysia (232 ca), Philippines (215 ca), Campuchia (14 ca) và Timor-Leste (2 ca).

Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có 46.215.520 ca nhiễm COVID-19, trong đó 973.850 ca tử vong vì dịch bệnh. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Panama, Costa Rica…

Tại Nam Mỹ, khu vực này hiện đã có 36.601.820 ca, trong đó 1.120.788 ca tử vong vì đại dịch. Các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19.

Tại châu Đại dương, các quốc gia thuộc khu vực này hiện ghi nhận 145.463 ca nhiễm và 1.902 ca tử vong vì đại dịch COVID-19. Australia, Fiji, French Polynesia, Papua New Guinea… là các quốc gia chịu ảnh hưởng nhất bởi đại dịch tại châu lục.

Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này ghi nhận 7.567.586 ca nhiễm, trong đó 189.450 ca tử vong vì dịch bệnh. Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Nước này ghi nhận có 2.690.973 ca nhiễm COVID-19, trong đó 79.421 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm, Morocco, Tunisia, Libya, Ethiopia, Libya, Ai Cập…

Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Bộ Y tế Israel ngày 22/8 cho biết những người được tiêm bổ sung mũi vaccine Pfizer thứ 3 đã giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm và biến chứng nặng so với những người chỉ được tiêm 2 mũi.

Thông tin trên được đưa ra tại một cuộc họp của tiểu ban vaccine, theo đó việc tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người 60 tuổi tại Israel sau 10 ngày đã mang lại khả năng bảo vệ trước virus cao hơn 4 lần so với những người chỉ tiêm 2 mũi; trong khi khả năng ngăn chặn biến chứng nặng có hiệu quả gấp 5-6 lần.

Từ ngày 1/8, Israel bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người trên 60 tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, sau đó chuyển sang nhóm trên 50 tuổi và trong tuần qua bắt đầu tiêm bổ sung người trên 40 tuổi.

Chính quyền Mỹ mới đây cũng thông báo kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 liều 3 cho toàn dân từ tháng 9, cho rằng đây là điều cần thiết trong bối cảnh biến thể Delta đang lây lan mạnh./.