Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thế giới ghi nhận hơn 509 triệu ca mắc COVID-19

PV - 08:15, 25/04/2022

Tính đến sáng ngày 25/4/2022 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 509.457781 ca nhiễm COVID-19, trong đó 6.242.796 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 391.356 ca nhiễm mới và 915 ca tử vong vì dịch bệnh.

Sáng ngày 25/4/2022, thế giới ghi nhận 509.457781 ca nhiễm COVID-19
Sáng ngày 25/4/2022, thế giới ghi nhận 509.457781 ca nhiễm COVID-19

Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh với 189.231.593 ca mắc, trong đó có 1.809.674 ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với 146.989.360 ca mắc và 1.419.537 ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận 97.834.258 ca mắc và 1.456.549 ca tử vong; khu vực Nam Mỹ ghi nhận 56.670.190 ca mắc và 1.293.019 ca tử vong; châu Phi ghi nhận 11.867.937 ca mắc, trong đó 253.703 ca tử vong và châu Đại dương ghi nhận 6.863.722 ca mắc và 10.299 ca tử vong.

Tại châu Á, ngày 24/4, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 nhiều nhất châu lục với 64.725 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 16.895.194 ca. Tổng số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này tăng lên 22.133 ca, sau khi ghi nhận thêm 109 ca tử vong một ngày trước đó. Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế từ ngày 18/4, chỉ duy trì quy định đeo khẩu trang bắt buộc. Đây là một bước tiến lớn trong nỗ lực đưa nhịp sống trở lại bình thường sau thời gian gián đoạn vì đại dịch.

Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia thông báo thành phố Thượng Hải ghi nhận thêm 39 ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 23/4, con số cao nhất kể từ khi thành phố này áp đặt lệnh phong tỏa từ đầu tháng 4 để ngăn chặn dịch. Với số ca tử vong mới ghi nhận tại Thượng Hải, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Trung Quốc tăng lên 4.725 người. Giới chức y tế thành phố Thượng Hải đã nỗ lực nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân thể nặng để giảm tỷ lệ tử vong trong đợt bùng phát dịch bệnh lần này.

Ngày 24/4, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã kêu gọi người dân đi tiêm phòng vaccine COVID-19 mũi tăng cường, khẳng định vai trò của mũi tiêm này giúp củng cố hệ miễn dịch. Campuchia đã triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia phòng dịch COVID-19 từ tháng 2/2021. Theo Bộ Y tế Campuchia, đến nay, 14,88 triệu người dân, tương đương 93% tổng dân số 16 triệu người, đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Trong đó, 14,14 triệu người (88% dân số) đã được tiêm 2 mũi cơ bản, khoảng 8,22 triệu người (51%) đã được tiêm mũi 3 và 1,36 triệu người (8,5%) được tiêm mũi 4. Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân Campuchia đi tiêm mũi 3 để củng cố miễn dịch cộng đồng và đảm bảo tiến trình hướng đến mở cửa hoàn toàn đất nước không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.

Campuchia đã khôi phục toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội và mở cửa biên giới với những du khách đã được tiêm phòng mà không cần cách ly từ tháng 11/2021. Nhà lãnh đạo Campuchia cho rằng nhờ hiệu quả của việc tiêm phòng, nước này không ghi nhận dấu hiệu dịch bệnh tăng trở lại sau khi đón năm mới truyền thống. Tết của người Khmer, từ ngày 14/4-16/4 vừa qua với khoảng 4,6 triệu lượt khách di chuyển trên cả nước trong dịp này.

Tại châu Âu, Pháp, Đức , Anh, Nga… vẫn tiếp tục là quốc gia dẫn đầu châu lục về số ca mắc và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 168.015 ca mắc mới và 383 ca tử vong vì đại dịch.

Tại Đức, kể từ ngày 25/4, hầu hết các bang ở Đức bắt đầu ngừng thực hiện xét nghiệm COVID-19 bắt buộc tại các trường phổ thông. Đây được xem là một trong những biện pháp chống dịch bệnh COVID-19 quan trọng cuối cùng được bãi bỏ ở Đức trong tháng này. Đầu tháng này, quy định về khẩu trang bắt buộc đã được gỡ bỏ ở hầu hết các trường học, phù hợp với Đạo luật bảo vệ chống lây nhiễm. Mặc dù việc xét nghiệm bắt buộc tại các trường học vẫn có thể thực hiện trên toàn nước Đức, nhưng hầu hết các bang đều dừng thực hiện quy định này. Thay vào đó, việc xét nghiệm tự nguyện hoặc bắt buộc chỉ được thực hiện trong trường hợp học sinh có các triệu chứng hoặc trở lại trường sau một kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận thêm 17.106 ca nhiễm COVID-19 mới và 86 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Costa Rica, Guatemala, Panama… Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về mức độ ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tính đến nay, nước này ghi nhận 82.661.537 ca lây nhiễm và 1.018.331 ca tử vong vì dịch COVID-19.

Tại Nam Mỹ, các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Trong 24 giờ qua, khu vực này ghi nhận thêm 6.240 ca mắc mới COVID-19.

Tại châu Phi, Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.762.911 ca nhiễm COVID-19, trong đó 100.303 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm Morocco, Tunisia, Ai Cập, Libya, Ethiopia. Hết ngày 18/4, châu lục này ghi nhận thêm 1.004 ca mắc mới và 37 ca tử vong mới vì dịch bệnh.

Châu Đại dương ghi nhận có 40.534 ca nhiễm COVID-19 mới và 30 ca tử vong mới vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Australia, New Zealand và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch./.