Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thế hệ trẻ ở TP.Buôn Ma Thuột - Những người tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống

Lê Hường - 05:10, 01/12/2023

Từ các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương nhằm bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS; đặc biệt là sự tâm huyết của các nghệ nhân ngành văn hóa..., đến nay nhiều thanh thiếu niên TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã cảm nhận và có ý thức học hỏi để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhiều buôn làng đã xây dựng được đội cồng chiêng, múa xoang ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Tiết mục diễn tấu cồng chiêng và múa xoang của dân tộc Ê Đê tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc Tp.Buôn Ma Thuột
Tiết mục diễn tấu cồng chiêng và múa xoang của dân tộc Ê Đê tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc Tp.Buôn Ma Thuột

Tích cực trao truyền nghệ thuật diễn xướng

Giữa năm 2023, TP.Buôn Ma Thuột vừa tổ chức 3 lớp truyền dạy diễu tấu chiêng kram, múa xoang và đàn tính - hát then cho 150 học viên ở lứa tuổi từ 8 đến 20 tuổi. Sau hơn 1 tháng học, các học viên đã diễn tấu được những bài chiêng, múa xoang, đàn tính - hát then cơ bản.

Hàng chục năm âm thầm theo đuổi việc truyền cảm hứng về cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc cho thanh thiếu niên Ê Đê ở khắp các buôn làng, Nghệ nhân ưu tú Y Hiu Niê Kđăm ở phường Ea Tam, TP.Buôn Ma Thuột bày tỏ niềm vui: Thanh thiếu niên TP.Buôn Ma Thuột bây giờ đã biết yêu văn hóa dân tộc mình, có ý thức học hỏi để giữ gì giá trị truyền thống. Tất cả các buôn đều đã có đội chiêng, đội múa trẻ, nhiều thanh thiếu niên biết chơi nhạc cụ truyền thống. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của những nghệ nhân, giới chuyên môn, nhà quản lý và những người yêu văn hóa truyền thống các dân tộc.

Không chỉ đội ngũ nghệ nhân tấm huyết đang nắm giữ tinh hoa văn hóa các dân tộc tích cực truyền dạy, mà thế hệ trẻ cũng hào hứng, sẵn sàng đón nhận các giá trị văn hóa dân tộc và tự hào về truyền thống dân tộc.

Tham gia lớp học diễn tấu cồng chiêng, em H’Lệ Bing, dân tộc Ê Đê, phường Khánh Xuân bày tỏ lòng biết ơn những người thầy, người cô là các nghệ nhân đã tận tâm truyền dạy. “Em không chỉ biết diễn tấu chiêng, biết múa xoang mà còn hiểu về cội nguồn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Em hiểu rằng, văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc là sự riêng biệt, đặc thù, em rất tự hào văn hóa truyền thống dân tộc mình ”, H’Lệ chia sẻ.

Không chỉ dân tộc tại chỗ, Tp.Buôn Ma Thuột quan tâm phát huy văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường
Thời gian qua, Tp.Buôn Ma Thuột cũng đã quan tâm phát huy văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường

Thực hiện Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột”, từ năm 2022 đến nay, TP.Buôn Ma Thuột đã tổ chức rất nhiều lớp truyền dạy diễu tấu cồng chiêng cho thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố.

Đẩy mạnh công tác truyền dạy, đến nay tất cả 33 buôn trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột đều có đội cồng chiêng để phục vụ các lễ hội tại buôn mình, trong đó có những buôn có đến 4 đội cồng chiêng ở các lứa tuổi, đặc biệt có những buôn có thêm cả đội chiêng nữ. Ngoài việc tổ chức học đánh chiêng cho đồng bào dân tộc Ê Đê, TP.Buôn Ma Thuột còn tổ chức lớp học đánh chiêng cho đồng bào dân tộc Mường.

Bên cạnh việc tổ chức các lớp học đánh chiêng, múa xoang, hát dân ca, thành phố đã hỗ trợ kinh phí để tổ chức bảo tồn, phục dựng nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của các DTTS như: Lễ cúng bến nước, Lễ hội cầu mưa, Lễ rước cây nêu cầu an, Lễ kết nghĩa anh em, L mừng sức khỏe cho người lớn tuổi của dân tộc Ê Đê; tổ chức Lễ hạ nêu của dân tộc Mường; Lễ hội cổ truyền của dân tộc Thái . . .

Không chỉ truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ, TP.Buôn Ma Thuột còn tổ chức lớp tập huấn về phương pháp truyền dạy tấu chiêng knah cho các nghệ nhân trong các buôn làng. Đây là lớp tập huấn diễu chiêng cho nghệ nhân đầu tiên trong cả tỉnh. Bên cạnh đó, Thành phố còn tổ chức Liên hoan hát then - đàn tính mở rộng thu hút 7 câu lạc bộ đàn tính - hát then ở các huyện tham dự.

Các đội chiêng trẻ tham gia Liên hoan các đội chiêng trẻ thành phố Buôn Ma Thuột
Các đội chiêng trẻ tham gia Liên hoan các đội chiêng trẻ thành phố Buôn Ma Thuột

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kđăm nhấn mạnh: Chúng tôi phần nào yên tâm về sự trao truyền của 3 môn nghệ thuật diễn xướng gồm tấu chiêng kram, múa xoang và hát then - đàn tính đã được các bạn trẻ TP.Buôn Ma Thuột đón nhận. Mong rằng, các hình thức truyền dạy này lan tỏa đến các huyện, thị xã. Bên cạnh chiêng, nhiều nhạc cụ dân gian khác, những làn điều dân ca, thậm chí cả nghề truyền thống được các đại phương quan tâm truyền dạy. Thông qua những lớp truyền dạy như thế, mọi người hiểu để càng thêm yêu truyền thống, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được thế hệ trẻ tiếp tục bảo tồn và tiếp nối.

Nhiều hoạt động lan tỏa, phát huy giá trị truyền thống

Thành phố Buôn Ma Thuột hiện có 33 buôn đồng bào DTTS. Với mục tiêu phát triển Buôn Ma Thuột trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh, bản sắc, những năm qua, thành phố đẩy mạnh các hoạt động truyền dạy, tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian nhằm lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc.

Theo thống kê, toàn TP. Buôn Ma Thuột có khoảng 600 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng, gần 100 nghệ nhân biết truyền dạy đánh chiêng, 23 nghệ nhân biết chỉnh chiêng và 131 nghệ nhân biết chơi nhạc cụ truyền thống. Ngoài đội ngũ nghệ nhân hùng hậu, hiện toàn thành phố còn lưu giữ được 97 bộ chiêng.

Cuối thàng 10 vừa qua, UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức Liên hoan các đội chiêng trẻ thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ I. Liên hoan thu hút hơn 250 nghệ nhân, diễn viên quần chúng là người đồng bào DTTS của 14 đội chiêng trẻ đến từ các thôn, buôn trên địa bàn thành phố. Tham gia liên hoan có 60 tiết mục ở các nội dung gồm diễn tấu chiêng, múa xoang, nhạc cụ dân tộc.

Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Liên hoan các đội chiêng trẻ TP Buôn Ma Thuột lần thứ nhất – năm 2023,  với tiêu chí đoàn kết, giao lưu và cùng nhau hưởng thụ những sáng tạo văn hóa nghệ thuật dân gian. Liên hoan cũng là dịp đánh giá kết quả của công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thành phố Buôn Ma Thuột và việc tổ chức các lớp học đánh chiêng, múa xoang... cho thanh, thiếu niên của các thôn, buôn trong các năm qua.

 “Việc giáo dục và khuyến thích thế hệ trẻ người DTTS kế thừa và phát huy vốn văn hóa truyền thống của cha ông để lại luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Vì thế, thành quả thu hái được cũng ngày càng rõ ràng, thực chất hơn”, ông Võ Tiến Dũng nhìn nhận.

Các bạn trẻ dân tộc Ê Đê hào hứng với nhạc cụ truyền thống
Các bạn trẻ dân tộc Ê Đê hào hứng với nhạc cụ truyền thống

Bên cạnh đó, định kỳ 2 năm/lần TP.Buôn Ma Thuột tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS để Nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố giao lưu, học hỏi.

Ông Phạm Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ TP.Buôn Ma Thuột và các Nghị quyết Trung ương, tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, thành phố đang triển khai nhiều giải pháp để xây dựng thành phố hướng đến đô thị thông minh, bản sắc. Để thực hiện thắng lợi các nghị quyết đó, theo định kỳ 2 năm một lần Thành phố tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS nhằm tôn vinh, gìn giữ, khôi phục các nét văn hóa đẹp trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố. 

"Với các hoạt động văn hóa kết hợp với thể thao, không chỉ là sân chơi thể hiện các nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc, mà còn là nơi bà con giao lưu, học hỏi, có thêm cơ hội gìn giữ phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Đây cũng là dịp quảng bá các hình ảnh, nét đẹp văn hóa các dân tộc đến người dân trong và ngoài thành phố, cũng như du khách trong nước và nước ngoài", ông Phạm Tiến Hưng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.