Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Theo chân cán bộ khuyến nông đến với đồng bào Mèo Vạc

Văn Hoa - 16:42, 09/04/2021

Mới đây, theo đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đến huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang để chia sẻ một số chương trình khuyến nông cho nông dân. Chứng kiến cảnh khoảng 200 người dân có mặt từ rất sớm đợi đoàn công tác, chúng tôi cảm nhận hơn về vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến nông trong việc thay đổi thói quen sản xuất, phát triển kinh tế của người dân.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang thăm quan mô hình chăn nuôi của gia đình anh Vừ Mí Và
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang thăm quan mô hình chăn nuôi của gia đình anh Vừ Mí Và

Tìm được hướng đi đúng mới thoát được nghèo

Xuất phát từ Hà Nội lúc tờ mờ sáng, vượt qua nhiều cung đèo tay áo đến được huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cũng là lúc tờ mờ tối. Cán bộ trong đoàn tranh thủ ăn uống nghỉ ngơi để ngày hôm sau bắt tay vào công việc. 

Một đêm tại Mèo Vạc thật ngắn ngủi, thoáng chốc trời đã sáng. Mèo Vạc trước mắt chúng tôi là những dãy đồi cao, lởm chởm đá tai mèo xen kẽ  là những đám cỏ cây. Buổi sáng hôm ấy, hội trường dùng chật cứng với khoảng 200 người tham dự. Lần này, cán bộ khuyến nông tổ chức phổ biến kỹ thuật chăn nuôi lợn bản địa cho đồng bào. Các doanh nghiệp, nhà khoa học trong đoàn thì chịu trách nhiệm giải đáp những băn khoăn của bà con về con giống, cách chăn nuôi,  phát triển đàn lợn giống bản địa thế nào cho  bền vững, đảm bảo đầu ra....

Người dân ai cũng phấn khởi khi được tiếp nhận, và giải đáp những kiến thức từ công tác chọn giống, quy trình chăm sóc, vệ sinh phòng dịch… cho đến việc xây dựng thương hiệu, nắm bắt thị trường trong phát triển giống lợn bản địa. Vì vậy mà dù quá trưa, bà con vẫn chăm chú lắng nghe. Bởi bà con nhận thức được rằng, trong điều kiện nguồn đất đai khan hiếm giữa vùng cao núi đá tai mèo, khí hậu khắc nghiệt, phải tìm được hướng sản xuất hiệu quả mới giúp họ thoát nghèo.

Anh Sùng Mí Sính, thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi, đến tham dự buổi chia sẻ, phổ biến kỹ thuật phấn khởi cho biết, anh luôn ngóng chờ những buổi tập huấn chia sẻ về khuyến nông. Qua đó, anh đã mạnh dạn vay 60 triệu đồng để trồng cỏ nuôi bò vỗ béo. Sau gần 3 năm, anh đã trả được hết nợ và có vốn mở rộng chăn nuôi. Hiện nay, gia đình anh Sinh duy trì nuôi vỗ béo từ 4-5 con, thu nhập từ nuôi bò, sau khi trừ chi phí cũng thu được khoảng 50-80 triệu đồng/năm.

Một buổi chia sẻ về kĩ thuật chăn nuôi của cán bộ khuyến nông
Một buổi chia sẻ về kĩ thuật chăn nuôi của cán bộ khuyến nông với đồng bào vùng cao.

Tiếp tục những cuộc hành trình mới…

Trong mỗi lần đến chia sẻ, phổ biến kiến thức chăn nuôi cho đồng bào, các cán bộ khuyến nông còn dành thời gian đến thăm mô hình chăn nuôi của các gia đình đã từng được tham gia tập huấn kiến thức. Đồng thời, tiếp tục giải đáp, hỗ trợ tư vấn thêm cho người dân về cách chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh dịch bệnh…

 Dẫn cán bộ đi thăm mô hình chăn nuôi lợn sinh sản của gia đình, anh Vừ Mí Và, xã Cán Chu Phìn không giấu được sự vui mừng chia sẻ, trước kia anh chỉ nuôi một đến hai con lợn. Thu nhập thấp nên cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều lúc thiếu ăn. Nhờ có định hướng, tham gia mô hình chăn nuôi lợn sinh sản theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao, anh đã nắm lấy cơ hội này và học làm theo.

Đến nay, gia đình anh Và xuất bán được nhiều lứa lợn giống; mỗi con lợn nái bình quân 2 lứa/năm, mỗi lứa 6 - 8 con, giá mỗi con lợn giống khoảng từ 1,8 triệu đến 2 triệu đồng. Gia đình tận dụng các sản phẩm nông nghiệp như, ngô, rau rừng, cám gạo, khoai làm thức ăn cho lợn. Trừ chi phí, gia đình anh thu được khoảng 50 triệu đồng/năm.

“Trong suốt quá trình chăn nuôi, cán bộ khuyến nông địa phương rất nhiệt tình tư vấn, từ cách phòng ngừa dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi, cách xây dựng chuồng trại, xử lí chất thải, cách giữ ấm cho vật nuôi… Nhờ đó, gia đình tôi yên tâm mở rộng mô hình và chăn nuôi rất hiệu quả”,  anh Và cho biết thêm.

Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: Để có được những chuyến đi xuống cơ sở, là cả một quá trình dài chuẩn bị, vượt qua hành trình hàng trăm cây số, và hơn hết là cảm nhận được sự mong ngóng của bà con nông dân. Thế nên, từng thành viên trong đoàn công tác luôn cố gắng chia sẻ được nhiều kiến thức nhất, dễ hiểu nhất để bà con có thể tiếp nhận được. 

"Mỗi lần đến với bà con, được nghe bà con kể, được chứng kiến thành quả phát triển kinh tế của bà con từ áp dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật, giúp họ có cuộc sống tốt hơn chúng tôi mừng lắm. Vì vậy, chúng tôi càng thấy rõ hơn trách nhiệm mang kiến thức làm nông nghiệp tới đồng bào ở nhiều vùng đất xa xôi trên mọi miền đất nước", Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh cho biết. 

Tin cùng chuyên mục
Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

Qua 3 năm tổ chức sản xuất, mô hình cánh đồng lớn ở Bác Ái (Ninh Thuận) đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân ở huyện nghèo từng bước thay đổi. Một trong những ưu điểm của mô hình này, là rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, và đồng bộ được cơ sở hạ tầng của địa phương.