Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của người DTTS

Hoàng Quý - 19:05, 19/05/2025

Chiều 19/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự, để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương, hoặc bảo vệ lợi ích công.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến

Trình bày Tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến khẳng định, bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương (trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ, người DTTS) và bảo vệ lợi ích công là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, luôn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.

Theo đó, dự thảo Nghị quyết gồm 04 Chương, 19 Điều, trong đó quy định Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích trong trường hợp không có người khởi kiện, để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương, hoặc bảo vệ lợi ích công và việc bảo đảm quyền khởi kiện của Viện Kiểm sát nhân dân.;

Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc tiếp nhận, thu thập, thụ lý thông tin về vi phạm; các biện pháp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh vi phạm; thông báo cho các chủ thể có liên quan; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện.

Quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân để bảo đảm thực hiện quyền khởi kiện của Viện Kiểm sát nhân dân; trách nhiệm của các tổ chức giám định tư pháp, định giá… hỗ trợ Viện Kiểm sát nhân dân trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh vi phạm và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Quy định nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện theo quy định của pháp luật trong việc trả lời cho Viện Kiểm sát nhân dân về việc thực hiện quyền, trách nhiệm khởi kiện. Quy định trong trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Viện Kiểm sát nhân dân hỗ trợ khởi kiện khi có đề nghị. Quy định về các trường hợp Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự công ích.

Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết quy định về hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026 và thí điểm trong 3 năm, tại 6 tỉnh, thành phố sau sáp nhập (Hà Nội, TP.  Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk). Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao sẽ tổ chức, bố trí, sắp xếp sử dụng nguồn lực hiện có, không làm phát sinh thêm biên chế và tổ chức bộ máy mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Trình bày Báo cáo tóm tắt Thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự, để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương, hoặc bảo vệ lợi ích công, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nội dung dự thảo Nghị quyết bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi; cơ bản thống nhất với các luật có liên quan.

Theo đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với phạm vi thực hiện thí điểm tại 6 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, với phạm vi như sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; nhất trí thời điểm dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026 và thời gian thực hiện thí điểm trong 3 năm là phù hợp.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý các nội dung khác trong dự thảo Nghị quyết, nhằm bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các luật cùng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới tại Kỳ họp thứ 9. Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, còn một số nội dung của dự thảo Nghị quyết chưa rõ, thiếu cụ thể hoặc còn có ý kiến khác nhau cần được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, bổ sung hoặc làm rõ thêm.